Bà già trong quả bầu [Truyện cổ tích Nepal]

Câu chuyện Bà già trong quả bầu

Bà già trong quả bầu là truyện cổ tích Nepal, đề cao tình cảm mẹ con gắn bó và tài trí thông minh của con người trước các loài thú rừng hung ác, xảo quyệt.

1. Tình cảm của người mẹ

Thuở ấy, rừng rậm còn lan rộng mới tới đồng bằng, thú rừng còn biết nói tiếng người. Ở một làng quê hẻo lánh nọ, có hai mẹ con nhà bà góa sống với nhau rất đầm ấm. Cô gái đã đến tuổi lấy chồng, nhưng quanh vùng chẳng có một chàng trai nào vừa ý. Bà mẹ buộc lòng phải gả chồng cho con ở một làng xa, cách mấy ngày đường, tít bên kia một cánh rừng rậm rạp. Vì đường sá xa xôi, nên từ ngày cô gái về nhà chồng, chưa một lần nào mẹ con gặp nhau.

Một ngày kia, nhớ con gái, bà mẹ cơm mang nước xách đánh liều đi thăm con. Bà đi từ làng này qua làng khác. Hết ngày thứ nhất bình yên vô sự. Bà đi tiếp ngày thứ hai, qua hết đồi trọc, suối nông, cũng bình yêu vô sự. Đến ngày thứ ba, bà đã đi được nửa đường, vượt qua nhiều truông rậm. Bây giờ chỉ cần đi hết khu rừng rậm rạp và băng qua một cách đồng nữa là đến làng của cô con gái. Nhưng cũng chính ở cánh rừng rập rạp ấy, bao nhiêu nỗi hiểm nguy đang chờ đợi bà. Nghĩ đến cảnh mẹ con lâu ngày gặp nhau, bà mẹ mạnh dạn cứ đi.

2. Những mối hiểm nguy dọc đường

Quả nhiên, vừa bước chân vào khu rừng rậm, bỗng có tiếng sột soạt, rồi một con Cáo già nhảy xổ ra đón đường. Cáo cất tiếng cười sằng sặc:

– Này mụ già! Ta đã đói mười hôm nay. Thánh Mẫu đã đưa mụ tới đây, mụ hãy để cho ta ăn thịt.

Tay không, sức yếu, bà chẳng thể chống lại Cáo được. Sau phút bàng hoàng, kinh hãi, bà bình tĩnh nói:

– Thưa ngài Cáo cao cả! Tôi đang vội đi thăm con gái tôi. Ngài cũng thấy đấy, tôi gầy lắm, ngài ăn chỉ tổ giắt răng. Ngài vui lòng đợi cho một tháng nữa, tôi đến chỗ con gái tôi, được vỗ béo trở về, bấy giờ ngài hãy ăn thịt.

Nghe bà nói có lí, Cáo già nhảy sang bên đường nhường lối cho bà đi. Bà vừa mừng, vừa sợ, vội chạy cho nhanh. Chưa được bao xa, chợt thấy hươu nai nhớn nhác tìm đường trốn, rồi một con Hổ nhảy phóc ra chặn đường:

– Mụ già kia! Ta đã đói hai mươi hôm nay. Thánh Mẫu đã đưa mụ tới đây, mụ hãy để cho ta ăn thịt.

Bà sợ quá. Nhưng rồi bà trấn tĩnh lại và nói:

– Hỡi chúa sơm lâm [1] tài trí. Trong rừng thiếu gì thức ăn cho ngài. Tôi vừa gặp hươu nai béo mập hàng đàn. Còn tôi, ngài thấy đấy. Tôi gầy lắm. Ngài ăn thịt tôi chỉ tổ giắt răng. Ngài vui lòng đợi cho một tháng nữa, tôi đến chỗ con gái tôi, được vỗ béo trở về, bấy giờ xin ngài ăn thịt cũng chưa muộn.

Nghe lời bà nói xuôi tai, Hổ nhảy sang một bên, tránh đường cho bà đi. Bà vừa mừng vừa sợ, muốn mọc thêm cánh để bay cho nhanh. Nhưng chưa được bao xa thì tai họa lại tới. Từ trên cây cao một bầy Khỉ buông mình xuống đón đường. Khỉ chúa [2] rất to, hình thù dữ tợn, nhìn bà bảo:

– Này mụ già ! Hẳn Thánh Mẫu dẫn mụ đến đây cho họ hàng nhà ta xẻ thịt. Hay, hay lắm! Chúng ta đang mở tiệc, mọi thứ hoa quả đều có, duy chỉ thiếu thịt người.

Thấy khỉ chúa hung hăng và họ hàng nhà khỉ đông đúc, bà sợ lắm. Nhưng rồi trấn tĩnh lại, bà nói:

– Hỡi chúa của loài khỉ cao cường! Ngài thấy đấy, tôi già rồi và gầy lắm. Ai lại lấy thịt người gầy mà mở tiệc bao giờ! Ngài hãy đợi một tháng nữa, tôi đến thăm con gái và được vỗ béo. Lúc ấy, tôi sẽ trở về đây, bấy giờ ngài xin ngài giết thịt tôi, mở tiệc cũng chưa muộn.

Nhưng Khỉ chúa vốn là một kẻ ranh mãnh, không chịu tin lời bà nói. Nó hú gọi cả đàn nhảy xổ vào, cưỡi lên lưng, lên cổ, cưỡi lên cả đầu bà. Thấy bà gầy thật, Khỉ chúa mới chịu buông tha. Nó bắt bà phải thề [3] với Thánh Mẫu rằng: một tháng nữa, bà sẽ trở về đúng con đường này, đúng nơi này. Bất đắc dĩ, bà phải khấn Thánh Mẫu theo yêu cầu của Khỉ chúa. Nếu sai lời, bà sẽ bị Thánh Mẫu trừng trị. Lũ Khỉ bấy giờ mới hú nhau nhảy lên cây, nhường lối cho bà đi tiếp. Thoát nạn, bà cũng không còn sức mà chạy nữa. Nhưng rồi cuối cùng, bà cũng qua hết cánh rừng và đến được nhà vợ chồng người con gái.

3. Mẹ con gặp nhau và sự mưu trí của cô con gái

Không thể nói hết nỗi vui mừng khi hai mẹ con gặp lại nhau. Bà sống với con gái một thời gian, hết sức mãn nguyện. Bà được cô con gái săn sóc, bồi dưỡng nên ngày một béo khỏe. Thấm thoát đã đến ngày trở về. Bà chợt nghĩ đến những tai họa đang chờ đợi trong khu rừng rậm mà giật mình. Coi như đây là lần gặp ỡ cuối cùng. Bà vừa kể vừa khóc cho con gái nghe về những chuyện không vui dọc đường và lời bà thề trước Thánh Mẫu. Nghe xong câu chuyện bi thảm ấy, cô con gái không những không buồn phiền, mà còn tươi cười bảo mẹ:

– Mẹ đừng lo sợ! Ccon đã có cách!

Rồi cô gái bảo chồng chọn cho mình hai quả bầu khô thật to. Quả nào cô cũng cắt một miếng vuông vức làm cửa, moi hết ruột, đủ để cho một người ngồi bên trong. Phía ngoài vỏ bầu, dùng dây chắc đánh đai lại.

4. Bà già trong quả bầu

Đến ngày trở về, cô con gái đưa hai quả bầu ra. Cô ngồi vào quả thứ nhất và mời mẹ ngồi vào quả thứ hai. Khi cả hai quả đã được đóng chặt cửa, quả thứ nhất lăn trước, quả thứ hai lăn theo sau, nhằm con đường cũ đi tới.

Đúng ngày hẹn, bầy Khỉ đã ngồi sẵn trên cây ngóng đợi. Bỗng chúng nghe thấy tiến lộc cộc ầm ĩ từ xa vọng lại. Rồi hai vật gì vùa to, vừa tròn lăn tới, lại có cả tiếng hò hét bên trong nữa.

– Tránh ra, tránh ra cho ta lăn. Nếu không, bay sẽ tan xương nát thịt.

Khỉ chúa hoảng quá, nhảy tót lên cây tránh đường. Nhưng vốn tính tò mò, nó chuyền cành, lần theo hai quả bầu đang lăn tiếp.

Hai quả bầu tiếp tục lăn tới chỗ Hổ, Hổ cũng lại nghe thấy tiếng lộc cộc từ xa. Rồi hai vật gì vừa tròn, vừa to lăn tới. Chợt có tiếng nói trong vật lạ vang lên:

– Tránh ra, tránh ra cho ta lăn. Nếu không, bay sẽ bị nghiến tan xương nát thịt.

Phát hoảng, Hổ co giò phóng thẳng đến chỗ Cáo, kể lại đầu đuôi câu chuyện lạ đời cho Cáo nghe. Vốn tính đa nghi và gian ngoan, Cáo bèn nhặt những hòn đá nhọn, có cạnh sắc rải lên mặt đường, rồi cùng Hổ ngồi chờ đợi. Trong khi đó, bà mẹ tưởng có thể một mình cứ thế mà lăn về, liền giục con gái quay lại. Cô con gái từ giã mẹ, tránh sang một bên cho mẹ lăn tiếp, rồi bùi ngùi lăn bầu trở về.

Bà mẹ cứ thế cho quả bầu lăn, lăn mãi, tưởng binh yên vô sự. Nào ngờ “rắc, rắc”, quả bầu lăn trên những hòn đá có cạnh sắc, bị vỡ làm đôi. Bà chui ra khỏi quả bầu, co cẳng chạy bán sống, bán chết. Lũ Hổ, Cáo, Khỉ hò nhau đuổi theo. Chỉ chốc lát, chúng đã vây kín quanh bà, định xé nát bà để chén thịt. Trong lúc chúng đang tranh cãi ỏm tỏi thì bà lấy hết sức can đảm bảo chúng:

– Này các ngài, đằng nào thì tôi cũng bị các ngài ăn thịt. Nhưng những ai thông minh đều biết thịt người có nướng lên mới ngon. Chẳng đi đâu mà vội, các ngài hãy nhóm bếp lên, tôi sẽ giúp các ngài đắp lò nướng thịt.

Lũ thú rừng đồng ý, chúng phân công nhau tốp thì canh giữ bà, tốp thì tỏa đi kiếm củi. Chẳng mấy chốc, chúng đã nhóm lên một bếp lửa đỏ rực. Bầy hám mồi nhìn bà chờ đợi. Còn bà thì lại bảo chúng:

– Thịt phải nướng trên than hồng mới ngon. Hãy chịu khó đợi một chút!

Bầy hám mồi lại đợi tiếp cho đến khi bếp cháy đã tàn, rồi bà cầm cái hót rác cời than ra, đặt một hòn đá vào chính giữa bếp lửa. Bà cầm gầu, nhảy vào hòn đá, rồi bảo bọn thú rừng lúc đó đang thèm rỏ dãi:

– Hãy đọc Thánh kinh đi, thịt sắm chín rồi đây!

Bầy hám mồi nhắm nghiền mắt lại, lẩm nhẩm đọc Thánh kinh. Bình thường thì ai đọc Thánh kinh, mắt cũng lim dim như thế. Lúc ấy, bà liền xúc đầy một gầu than hồng và tro nóng hất vào mặt bọn chúng làm cho chúng tối tăm mặt mũi. Lông mặt, lông cổ, lông mép bị lửa than thiêu cháy khét lẹt. Chúng hoảng sợ chạy đâm sầm cả vào hốc cây, mô đá. Bà lại xúc than hồng và tro nóng hất tới tấp lên lưng, lên gáy, xua chúng chạy thừa sống, thiếu chết.

Bây giờ thì bà không cần núp mình trong quả bầu nữa. Bà ung dung đi về nhà. Từ đó trở đi, thỉnh thoảng bà lại theo đườn cũ đến thăm cô con gái. Mỗi lần trông thấy bà, lũ Cáo, Hổ, Khỉ lại gọi truyền nhau rối rít :

Bà già trong quả bầu đã đến! Chạy, chạy mau!

Chúng kéo nhau chạy làm huyên náo cả khu rừng.

Câu chuyện Bà già trong quả bầu – Truyện cổ tích Nepal [4]
– TheGioiCoTich.Vn –

Chú giải trong truyện Bà già trong quả bầu

[1] Chúa sơn lâm: chúa của núi rừng. Hổ thường được coi là loài thú có sức mạnh, đứng đầu các loài thú rừng.

[2] Khỉ chúa: khỉ đầu đàn.

[3] Thề: tự nói lên điều cam kết để làm tin.

[4] Nepal: một nước ở Nam Á, nằm dưới chân dãy Himalaya, giữa Ấn Độ và Trung Quốc