Bơ Tin Chung [Truyện cổ tích dân tộc Cơ Tu]

Bơ Tin Chung [Truyện cổ tích dân tộc Cơ Tu]

Bơ Tin Chung là câu chuyện cổ tích của người dân tộc Cơ Tu, ngợi ca tình cảm vợ chồng thắm thiết và thử thách đi tìm lại người vợ tiên của chàng A Hênh.

1. Mẹo lấy vợ của chàng A Hênh

Có anh A Hênh mồ côi cha từ nhỏ, ở với mẹ trong một căn nhà xinh xắn. A Hênh chăm chỉ làm lụng, nên cuộc sống của hai mẹ con cũng tạm đủ.

Đã lâu rồi, A Hênh đem lòng yêu Bơ Tin Chung [1] – một cô gái đẹp nhất vùng và thuộc dòng tiên. Anh đã ngỏ lời mấy lần nhưng đều bị cô từ chối. Càng nhìn Bơ Tin Chung, A Hênh càng ưng cái bụng. Mặt cô không tròn nhưng rất đẹp, người cô không thấp không cao, cánh tay cô thẳng băng và tròn trĩnh như trái bắp. Cô đi đến đâu, mọi vật xung quanh cô bỗng sáng lên như có ánh mặt trời chiếu rọi. Nếu không lấy được cô, A Hênh thấy mình khó sống nổi đến mùa sau.

Một buổi sớm tinh sương, A Hênh vào rừng săn bắt. Nhìn lên ngọn cây cao thấy có tổ chim bù cành, anh liền trèo lên định bắt chim con và lấy trứng về làm cơm cho mẹ. Nhưng không ngờ anh bị chim mẹ mổ mù mắt bên phải. Đau quá, anh rơi xuống gốc cây ngất đi. Khi tỉnh lại anh lấy tay bịt chặt mắt bị thương, chạy về nhà kể hết sự tình với mẹ:

– Con khổ quá mẹ ơi, biết làm sao lấy được vợ bây giờ, xấu cái mặt rồi!

Thương con, mẹ A Hênh bàn mẹo đưa anh lên nằm úp sấp mặt trên giàn nhà để cối giã gạo phía dưới. Một lát sau, Bơ Tin Chung cùng các cô gái làng ra giã gạo dưới nhà. Bất chợt Bơ Tin Chung quá tay, cái chày đụng phải giàn đánh “bốp” một cái. A Hênh ở trên giàn liền kêu ầm lên:

– Trời ơi, vỡ mặt tôi rồi, đui mắt tôi rồi!

Hoảng sợ, Bơ Tin Chung tưởng mình gây ra tai vạ thật, xin hứa về nhà lấy nhiều trâu bò, chiêng ché sang đền. Nhưng A Hênh một mực lắc đầu không nhận.

Dân làng bàn góp:

– Thôi, gây vạ thì đền vạ. Bơ Tin Chung phải lấy A Hênh đi thôi!

Suy nghĩ một ngày một đêm, Bơ Tin Chung đành phải về làm vợ anh chàng chột mắt đó.

2. Bơ Tin Chung bay về xứ tiên

Ít lâu sau, Bơ Tin Chung sinh được một đứa con trai đặt trùng tên cha, gọi là “Hênh con”. Hai vợ chồng mừng lắm và càng ngày họ càng yêu quý nhau hơn. Một hôm, Bơ Tin Chung ra rẫy tuốt lúa, A Hênh gửi cháu cho bà rồi xách ná vào rừng. Bà ở nhà vừa bế cháu vừa vui miệng hát rằng:

– Hỡi ơi, chim bù cành vàng vàng đẹp đẹp
Mổ mắt cha mày nên được mẹ mày chiều
Giá A Hênh không ham bắt chim vàng
Đến bây giờ cũng chẳng được cháu yêu…

Tiếng hát lọt vào tai con rệp, nó vội đi tìm bạn thân của nó là mụ Cơ Rúa kể cho nghe tất cả. Cơ Rúa ra rẫy nói hết sự tình với Bơ Tin Chung:

– Không phải mày làm đui mắt A Hênh đâu. Nó lừa mày đấy! Nó nằm trên giàn thì làm sao đui mắt được?

Biết chuyện, Bơ Tin Chung tự nhiên thấy rã rời chân tay. Cô lặng lẽ trở về nhà làm như không biết gì, ngồi trong bếp. Bà mẹ A Hênh ở nhà trên không để ý, lại cất tiếng ru cháu:

– Hỡi ơi, chim bù cành vàng vàng đẹp đẹp…

Tiếng hát theo gió lọt vào tai Bơ Tin Chung. Cô buồn rười rượi vì biết chắc chắn A Hênh nói sai cho cô rồi. Bơ Tin Chung múc nước đầy ắp mấy bầu, chặt củi để chật mấy gian, xay hết mười gùi thóc, hái được mười xâu lá… xong tất cả, cô bảo mẹ chồng:

– Con đi tắm một chút, mẹ ở nhà trông cháu nhé!

Bơ Tin Chung không ra suối mà vào rừng lấy đôi cánh thần cô vẫn giấu ở đó ra, chắp vào mình, vỗ cánh “vập, vập”. Nghe có tiếng động, mẹ A Hênh nói vọng ra:

– Cái gì thế con ơi?

– Không có gì đâu, con “đập cái nia, lia cái nong” đó mà.

Vỗ cánh một hồi, Bơ Tin Chung nhìn lại nhà chồng một lần nữa như mến tiếc, rồi vụt bay mất. Cô bay mãi tới một ngọn núi có cây Pơ Rem Ma Gơi Ma Gút [2]. Đậu trên cành cây cô đơn giữa khoảng trời bát ngát, tự nhiên Bơ Tin Chung lại thấy nhớ chồng thương con, nước mắt giàn giụa. Đã trót đi, cô thấy không tiện trở về.

3. Cuộc hành trình đi tìm lại vợ của chàng A Hênh

A Hênh về nhà không thấy vợ liền hỏi mẹ. Mẹ không biết, A Hênh gọi vợ, vợ không thưa. Nhìn thấy nhà cửa sạch sẽ gọn gàng, anh biết vợ anh đã bỏ đi rồi. A Hênh buồn không muốn nói, miệng ăn không biết ngon, uống rượu thấy nhạt, hút thuốc thấy thuốc hôi, cái tay không thiết cầm ná bắn nai, cái chân không muốn bước đi ra rẫy.

Anh đan cái Pơ Rôm [3] để đựng con, mang cơm nước xách gùi đi tìm vợ. Đi mất mấy năm ròng, anh tới ngọn núi có cây Pơ Rem Ma Gơi Ma Gút. Anh ngồi nghỉ dưới gốc cây, nghe phía trên có tiếng nói ríu rít:

– Mày làm đui mắt A Hênh sao lại bỏ rơi nó?

– Sao mày không lấy nó? Bỏ cả con à?

Có tiếng Bơ Tin Chung phân bua:

– Không phải thế, bù cành mổ đui mắt A Hênh chứ không phải tôi.

A Hênh nghe thế, nhìn lên ngọn cây thấy vợ mình cùng các loài chim khác đang đậu. Anh cất tiếng hát:

– Em ơi, con đang khát sữa
Con đang thèm nước mật
Em xuống gặp mặt con đi thôi!

Bơ Tin Chung nhớ chồng, nhớ con, nhưng nàng vẫn không xuống mà lại giấu mình sau lá cây, ngắt quả chín thả xuống cho con. A Hênh cho con ăn no và làm lều nghỉ dưới gốc cây không đi nữa.

Sáng hôm sau, khi sương chưa tan, Bơ Tin Chung đã cùng đàn chim cất cánh. A Hênh ôm con khóc. Hênh con chỉ tay gọi:

– Cha ơi, kia kìa, mẹ bay mất rồi!

Buồn rầu, A Hênh lại cõng con đi, lại gặp cây Ma Gơi Ma Gút khác. Anh ngồi nghỉ một lúc vừa đói vừa khát, anh ngủ thiếp đi cho đến tối. Có tiếng sột soạt, thì ra Bơ Tin Chung đã kín đáo đến thả quả cây xuống cho chồng và con.

Mặt trời vừa chiếu sáng, Bơ Tin Chung đã cùng mười hai chị của cô vượt qua núi, qua sông tìm về quê mẹ trở lại cuộc sống nơi cõi tiên. Vừa đặt chân xuống đất, tất cả lại biến thành mười hai cô gái xinh đẹp.

A Hênh cõng con đi miết. Tới bờ sông, anh dừng lại dựng lều nghỉ. Thoáng thấy bóng vợ ra sông múc nước nhưng anh không làm sao qua bờ bên kia được. Cơm gạo đã hết. Hênh con đói cứ gào khóc. Một con heo rừng đi tới, A Hênh phải hứa sẽ cho heo ăn lúa của người, heo mới đồng ý đưa bố con anh qua sông. Cõng con ngồi trên lưng heo nhưng vừa ra khỏi bờ sông, heo đã chìm nghỉm. A Hênh đành bò trở lại vào bờ, kéo heo lên lấy thịt cho con con ăn. Qua ngày này đến ngày khác, hươu, nai, mang cọp… cũng tới giúp anh. Nhưng rồi chúng lần lượt chết đuối như heo. Bỗng một con Rịn Ràng từ trong núi bò ra, anh liền chụp lấy nó và nói:

– Tao ở đây đã lâu rồi mà không sang được sông để tìm vợ, cơm không có ăn, áo không đủ mà đắp, chuối không có làm bè, con khóc khản cả cổ, mày để tao ăn thịt mày.

Rịn Ràng van xin anh tha chết và hứa sẽ giúp A Hênh, có điều anh phải hứa là sẽ cho nó chăng tơ khắp đường. Nó dặn anh:

– Hai cha con cứ ngồi lên lưng tôi nhưng cấm không được cười nói, hở một lời là chết đấy.

Nói rồi Rịn Ràng vừa bơi vừa hát:

– Rịn Ràng! Rịn Ràng! Rịn Ràng!
Rịn Ràng! Rịn Ràng! Rịn Ràng!

Nghe tiếng hát lạ tai, A Hênh cố nhịn cười và dặn con im lặng. Càng đến gần bờ, Rịn Ràng càng hát to, vừa bơi vừa nhún nhảy. Đứa con thấy nhộn quá, phá lên cười khanh khách. Mạng nhện tự nhiên đứt ra và hai cha con lăn tòm xuống nước. May đã gần bờ nên họ chỉ ướt hết quần áo.

Vì áo quần còn ướt, A Hênh bèn đi ngược lên đầu ngọn suối náu mình trong bụi tre ngồi hút thuốc. Chiếc ná của anh dựng đầu nguồn, chiếc Pơ Rôm đựng con đặt bên cạnh.

Vừa lúc ấy, có một cô gái ra bờ suối múc nước. Cô đẹp như một tiên nữ giáng trần. Cô vừa đi, vừa cất tiếng hát, vừa nỉ non, vừa não nùng. A Hênh liền chắn dòng nước không cho chảy xuống chỗ cô đang múc. Thấy hết nước, cô gái chạy lên phía trên thì đụng phải cái ná. Cô kêu lên:

– Ôi, em đụng phải ná của Ta Nôi [4] rồi.

A Hênh bắt chuyện mới biết cô là em thứ hai của Bơ Tin Chung. Anh hỏi:

– Sao em hát buồn thế?

Cô bảo là vì cô thương nhớ A Hênh nên không vui được. Anh lại hỏi:

– Thế em là vợ A Hênh à?

– Không phải, A Hênh là chồng chị em. Chị em buồn nên em cũng không vui.

A Hênh lặng đi không hỏi nữa. Cô gái nhìn chiếc cườm chàng đeo nơi cổ, nhìn cái Ma Non [5] giống như cườm và Ma Non của chị mình xưa, nhìn đến cái bùi nhùi hút thuốc, cô vui vẻ nói to:

– Ồ, bùi nhùi của Bơ Tin Chung! Ma Non và cườm của Bơ Tin Chung! Anh ơi, anh là A Hênh rồi!

Không thể giấu được nữa, anh kể hết đầu đuôi cho cô gái nghe, cô gái mừng rỡ mời chàng về nhà nhưng A Hênh không chịu. Cô bèn về nhà, giả vờ trượt chân đổ hết nước trong bương. Bơ Tin Chung phải đi múc nước thay em. Lòng vẫn thương con, nhớ chồng, vừa đi vừa hát:

– Người em yêu đi đâu
Cách xa chàng đã lâu
Tưởng như chàng đã chết…

Đứa con nằm trong Pơ Rôm nghe tiếng hát liền reo lên:

– Cha ơi, tiếng mẹ hát kìa! Cha cho con gặp mẹ!

– Nằm im, ráng chờ lát nữa con ơi!

Múc xong, Bơ Tin Chung lại hát tiếp:

– Nước suối ơi cứ chảy hoài mãi thôi
Không biết lòng ta đang đau khổ
Nhớ ngày nào ở bên nhau
Nay xa cách buồn rầu trong ruột!

Hát xong, Bơ Tin Chung lại lẩm bẩm: “Nước suối ơi nghe tiếng mày ta lại nhớ A Hênh đi mãi không về, ta thử đi lên tí xem sao!”.

Bơ Tin Chung cầm dao phát cỏ, bỗng nghe tiếng “cờ rắc, rắc”. Cô giật mình dừng tay, nhìn xuống đất thấy có chiếc ná gãy đôi, bên ná lại có chiếc Ma Non của mình ngày trước. Nàng ngạc nhiên nhìn quanh không thấy bóng người liền nói bâng quơ:

– Ná ai ở đây như ná yêu ná quý?
Ai mang ná này hát hay hơn chim
Ai mang ná này mới thật là chồng em
Người em yêu ơi, hãy đến…

Không một tiếng trả lời nào ngoài tiếng vọng của mình. Bơ Tin Chung ngồi ôm ná khóc nức nở. Nàng khóc rất lâu, nước mắt nhòa nên không nhìn thấy rõ bóng A Hênh đang đi tới. Chàng cất tiếng:

– Ơ, em làm hư ná của anh, em phải trả đền. Làm không nên em không được về.

Bơ Tin Chung ngước mắt nhìn người lạ, sợ hãi:

– Ná ơi liền lại nhé
Dấu vết đừng như vá
Liền lại đi ná ơi!

Chiếc ná tự nhiên liền lại như cũ. Định cầm nó lên trả lại cho người lạ, Bơ Tin Chung nhận ra người đó chính là chồng mình. Nàng gặp lại chồng và con, mừng quá giàn giụa nước mắt.

Từ đó, vợ chồng Bơ Tin Chung và con được sống bên nhau vô cùng đầm ấm.

Được ít lâu, A Hênh nhớ mẹ. Anh nhờ người về nhà mời mẹ sang ở nhà vợ nhưng mẹ anh không chịu. A Hênh ngày đêm buồn rầu trong bụng. Mẹ Bơ Tin hung đành để cho co Chung con gái theo về quê chồng. Cha mẹ nàng chia cho nàng nhiều chum ché và bò, heo…

Đi mất mấy tuần trăng, A Hênh mới dẫn vợ con về tới quê nhà. Bước vào nhà, anh thấy mẹ già đang hấp hối:

– Mẹ ơi, con đã về đây, vợ con và cháu cũng về đây.

Nghe tiếng con nói, mẹ anh mừng quá, cố gắng ngồi dậy nhưng lại ngã vật xuống giường. Bà cụ giơ tay nắm lấy tay A Hênh, nắm lấy tay Bơ Tin Chung rồi bà cụ run run nói lời đứt quãng:

– Trời ơi! Bao nhiêu năm bỏ cái nhà cái cửa! Cháu bà ở đâu?

Bơ Tin Chung ghé Pơ Rôm đựng con lại gần bà. Mẹ A Hênh mừng quá, bước xuống sạp định vươn ra bế cháu thì không may trượt chân ngã mạnh quá và ngất đi, rồi mất.

Vợ chồng A Hênh nhớ mẹ, lo tang ma cho mẹ xong, họ sửa sang lại nhà cửa, cùng dân làng sáng chiều chăm lo nương rẫy. Họ sống yên ổn hạnh phúc suốt đời.

Câu chuyện Bơ Tin Chung – Truyện cổ tích dân tộc Cơ Tu
– TheGioiCoTich.Vn –

Chú thích trong câu chuyện Bơ Tin Chung

  1. Bơ Tin Chung: con chim thần.
  2. Pơ Rem Ma Gơi Ma Gút: một thứ cây có quả tròn, ăn như sữa.
  3. Pơ Rôm: một thứ giỏ để đựng trẻ em.
  4. Ta Nôi: khách.
  5. Ma Non: cái dây ngũ sắc rất đẹp, người con gái thường tết để tặng người yêu.
Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam và thế giới
Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam và thế giới

Kho tàng truyện cổ tích dành cho các bé

Ngoài câu chuyện Bơ Tin Chung kể trên, Thế giới cổ tích còn sưu tầm và chọn lọc rất nhiều những câu chuyện cổ tích thú vị, hấp dẫn khác. Các bạn nhỏ sẽ được bước chân vào thế giới của các bà tiên quyền năng, các nàng công chúa xinh đẹp hay các chàng hoàng tử dũng cảm,… Và đằng sau mỗi câu chuyện ấy đều là những bài học bổ ích về đạo đức và cuộc sống.

Đừng quên khám phá kho tàng truyện cổ tích hay nhất của Việt Nam và thế giới tại TheGioiCoTich.Vn.