Con gà trống [Truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng]

Truyện ngắn Con gà trống

Con gà trống là truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng, lên án sự tàn khốc của chiến tranh khiến cho ngay cả một chú gà trống cũng không được cất lên tiếng gáy.

Ðã là gà trống thì phải gáy chớ! Vậy mà con gà trống của chúng tôi từ nay không được quyền gáy nữa. Ðiều đó được ghi rõ trong chỉ thị chuẩn bị chống càn [1] của Ban chỉ huy gởi cho cơ quan.

Trong buổi tối sinh hoạt học tập chỉ thị chuẩn bị chống càn, những vấn đề quan trọng chúng tôi thông qua thật dễ dàng. Chỉ có việc làm sao cho con gà trống đừng gáy là mất nhiều thì giờ nhứt. Ðể chứng minh cho sự tai hại của tiếng gáy của con gà, chỉ thị có kể ra một câu chuyện cụ thể như sau: “Cơ quan an ninh vừa rồi có bắt một nhóm biệt kích Mỹ. Một thằng biệt kích khai: Bọn chúng từ trên trực thăng đổ xuống một khu rừng rậm, chúng sống lẻn lút gần một tháng mà không sao mò được địa điểm của các cơ quan. Một hôm, bọn chúng chợt nghe đâu đó có tiếng gà gáy. Lần theo tiếng gà chúng tìm thấy một cái chuồng, từ đó chúng thấy một cái bếp, một cái giếng nước, những ngôi nhà nhỏ lợp bằng lá trung quân, hoặc lợp bằng ni lông núp dưới bóng cây. Sau cùng, bọn chúng phát hiện ra những con đường mòn nhỏ dẫn đến các nơi. Ngay hôm sau cơ quan ấy bị đánh bom. Trái bom đầu tiên đánh trúng cái chuồng gà, trái bom thứ hai đánh trúng cái bếp, rồi kề cái giếng và lan dần ra…”.

Vậy là chuyện này không thể nào linh động được, nhất thiết là gà không được gáy. Mới nghe tôi phát bật cười. Người, tôi thấy có người câm. Ta cũng có thể cấm một người nào đó không được quyền nói. Và cũng có người vì cảnh đời thế nào đó mà có lúc giả câm, không thèm nói với ai một lời nào. Còn gà thì tôi chưa thấy con gà trống nào bị câm bao giờ. Gà trống bị mất tiếng là gà bị thiến. Và phải thiến cả hai trứng. Con gà trống của chúng tôi là gà để giống.

Không thể cấm nó không được gáy. Không được gáy nó sanh ra làm thân con gà trống để làm gì! Nhưng bây giờ, đó là việc nghiêm túc của chiến trường. Phải thi hành. Nhưng biết làm cách nào. Một người đưa tay có ý kiến:

– Có gì phải bàn! Hấp rượu [2], bảy phút là xong. ý kiến ấy vừa đơn giản, vừa gọn, lại vừa được ăn, nhưng cũng là ý kiến dở nhất – Giết chết nó đi thì có gì phải bàn. Cái đáng bàn là làm thế nào nó không được gáy mà nó vẫn sống kia. Người phản đối ý kiến đó đầu tiên là thằng Nam, chú giao liên mười bốn tuổi. Nó được ba má gởi lên rừng từ năm lên mười. Một chú bé gầy gò, lanh lợi và gan lì. Không ai thương yêu con gà trống bằng nó. ý kiến của nó được mọi người đồng tình.

Bình thường giết một con gà trống thì có gì đáng phải nói! Ðằng này, lúc bấy giờ, một con gà trống ở rừng đối với chúng tôi là một con vật hết sức quý. Muốn mua một con gà phải xuống tận đồng bằng đường sá xa xôi biết bao. Vả lại, con gà này đối với chúng tôi là một con gà đặc biệt, đầy kỷ niệm.

Cách đó ba năm, một đồng chí từ Ðồng Tháp Mười về, mang về một con gà, con mái to vàng. Ôi chao, một con gà!. Nó như mang đến cho mọi người ở rừng cái cảnh sống của một gia đình. Lúc đó, có người bỗng chợt nhớ ra là mấy năm rồi mình chưa thấy được con gà nhà. Bao nhiêu năm chỉ thấy có khỉ, dọc, cheo, chim chóc. Nếu có thấy gà thì cũng chỉ thấy có được con gà rừng thôi. Từ đó, mà mỗi người mới nhớ lại cái sân nhà, gốc mít, cây xòai, bến nước với dòng sông. Chúng tôi cứ vây lấy con gà của đồng bằng, người thì đưa tay bợ lấy cái lườn của nó nâng lên nâng xuống, người thì vuốt nó từ đầu đến đuôi, lông nó mềm mướt mượt, nghe êm, nghe mát cả bàn tay. Rồi cứ vây quanh nó, nhìn cái mỏ vàng của nó mổ dồn dập xuống nắm gạo, ai cũng thấy vui. Nó không còn là của riêng một người, nó được mọi người chăm sóc, cho ăn. Một đồng chí trong cơ quan vốn là thợ mộc, đóng cho nó một cái chuồng y như ngôi nhà sàn đồng bằng sông Cửu Long quấn theo người, chỉ cần tục tục mấy tiếng, đưa tay ra là nó chạy tới.

Nó bắt đầu kêu ổ đất mà không có gà trống, anh em gọi đùa là nàng công chúa cô đơn. Không có trống nhưng nàng công chúa cô đơn vẫn cứ đẻ. Chúng tôi lót cho nó một cái ổ. Cái ổ được đang bằng mây, rất xinh, để ngay trong chuồng – nó nhảy lên ổ bươi [3] mấy cái rồi lại nhảy xuống, lại nhảy lên mái nhà, luẩn quẩn theo chân người. Cuối cùng, quýnh quá, nó đẻ ngay trên một đống công văn. Ðẻ xong, nó cục tác. Thằng Nam giả tiếng gà cục tác đáp lại, được thể nó cục tác ầm ỹ. Không ai thấy khó chịu mà muốn nghe mãi cái tiếng cục tác của nó. Một cái trứng nho nhỏ màu hồng còn một vệt máu, nóng hôi hổi. Hôm ấy, có một cháu bé vừa lên cơn sốt. Anh em đề nghị biếu cho cháu bồi dưỡng.

Thằng Nam tiếc lắm nhưng không dám phản đối. Trứng gà so mà! Trưa hôm sau nó lại nhảy ổ, lại bươi. Chúng tôi cho nó vào ổ, nó lại bươi, rồi lại nhảy, mặt đỏ hừng hực. Tưởng như rờ đến mặt nó là phải bỏng. Phải có một cái trứng để trong ổ nó mới chịu đẻ. Biết vậy, nhưng cái trứng đã ăn mất rồi. Bỗng một người có sáng kiến lấy củ khoai lột vỏ, gọt cho nó tròn tròn hình quả trứng để vào ổ. Sau đó nó mới chịu đẻ đúng vào cái ổ của nó. Ngày này đến ngày khác, cứ mỗi ngày một trứng thật đều, đến cái trứng thứ hai mươi bảy, nó nằm luôn trong ổ, thấy người là nó xù lông, kêu ré lên. Trứng có trống đâu mà ấp hở công chúa cô đơn!. Bắt nó xuống, nó xù lông, nhìn người như nhìn kẻ thù. Anh em phải phun nước vào mặt nó mấy ngày liền, nó mới tỉnh.

Rồi cô đơn nhưng nó vẫn cứ đẻ. Ðến lứa thứ hai, cái cảnh cô đơn của nó trông đến tội nghiệp. Nó khát khao được làm mẹ đến mức khiến cho anh em chúng tôi không thể làm ngơ. Nó đang đi, cái đít sà xuống, đang ăn hay đang đứng, khi có tiếng động của ai đó đi qua là hai cái chân nó quỵ xuống, lườn áp xuống đất, đuôi vểnh lên, sẵn sàng với tư thế đón đợi một anh gà gáy để sau đó nó được ấp, được tục tặc với bầy con.

Phải kiếm cho nó một con gà trống, chúng tôi bàn với nhau, nhưng bàn là bàn vậy, biết mua ở đâu, bằng cách nào. Vả lại, chuyện cũng qúa nhỏ, chợt thấy chợt nghĩ, rồi chợt bàn qua vậy thôi. Nhưng có người không chợt nghĩ chợt bàn mà lo lắng thật sự. Ðó là thằng Nam. Một mình chú một chiếc xe đạp, một túi công văn, chú rọt rẹt từ cơ quan này đến cơ quan khác, nhỏ nhưng biết nhiều, thấy nhiều. Chú bảo cơ quan ở bên kia rừng có một con gà trống cồ. Chú xin anh em cho chú ẳm con mái vàng qua đó gởi:

Một tháng sau chú ẳm nó về với mười bảy cái trứng. Con mái vàng đang ấp.

Qua hai tuần, anh em ra thử, hai trứng bị thối, còn mười lăm trứng, trứng nào cũng lúc lắc trong thau nước. Ba tuần, nghe trong ổ có tiếng kêu rúc rít. Người nào cũng đến thăm. Ôi chao ôi, cái ngày mẹ nó xuống ở vui thiệt là vui hơn cả cái ngày nó ở đồng bằng mới về. Không ai bảo ai, mà cả cơ quan, người nào cũng có mặt, người nào cũng hớn hở. Cái sân dưới bóng cây rừng được quét sạch. Con mái vàng đi giữa một bầy con, coi dáng đi của nó bệ vệ, tự hào làm sao.

– Xinh quá!

– Ðẹp quá!

Con kia nữa kìa, đã chưa? Một bầy mười lăm con, nho nhỏ như một nắm bông, lông mịn như nhung. Thích thú nhứt là những đứa nhỏ đẻ ở rừng, lần đầu tiên chúng mới thấy được một bầy gà con, đứa nào cũng đưa cái bàn tay nhỏ múp míp ra với lấy những con gà con.

Ðàn gà con lớn dần, mẹ chúng sắp bỏ lúc trời sa mưa. Qua những cơn mưa đầu mùa, đất ẩm, lá mục, có con bị ủ rũ. Không kịp chữa, nó lây nhau, ủ rũ cả bầy trông thật thảm hại.

Anh em trong cơ quan xúm nhau tự chữa cho chúng, mỗi người một cách. Nào tỏi, nào hành, nào rượu ngâm rít [4], rồi đến B1 pha đường, cho chúng uống cả kháng sinh cũng không chạy chữa nổi. Thằng Nam sang cơ quan bạn mời về cả anh kĩ sư chăn nuôi. Hôm ấy, anh em bắn được một con dọc, thằng Nam lại chạy đâu được một lít rượu đế đãi anh kĩ sư chăn nuôi. Mất một bữa rượu mà gà vẫn cứ toi. Rất lạ, những con khỏe mạnh nhứt là những con trống, chưa đủ lông mà nó đã ra dáng lắm, ngang ngang, bướng bướng, thừa sức chẳng biết để làm gì, đá nhau túi bụi, và nó là những con chết trước nhất, ngày chết hai con, ngày chết ba, bốn, năm, bảy con, không sao cứu vãn nổi, cuối cùng chỉ còn sót lại có hai con: một con trống với một con mái. Ðược thử thách với bệnh hoạn, mưa gió không vật nổi nó nữa. Con gà trống bắt đầu trổ mã, nhô giò, ngứa cổ rồi cất tiếng gáy, tiếng gáy chưa tròn, chưa trong, cũng chưa gáy đủ bốn tiếng, cứ “khe… khe… e… khét” nghe thật dễ thương. Thằng Nam đam mê nó, nó đi vắng thì thôi mà hễ về đến cơ quan là ôm ấp, cho uống, cho ăn. Nó lại nhớ, lại kể cho chúng tôi ngày còn bé – mặc dù bây giờ nó vẫn bé,ở làng, thường bắt gà nhà rủ nhau cho đá. Nó kể duyên dáng, say sưa.

Con gà trống của cơ quan đã hơn hai tuổi rồi. Nó đã thành một anh gà trống đứng đắn, mồng đỏ, lông ba sắc, đuôi uốn cong với hai cái cựa dài – luôn luôn được thằng bé Nam lấy miếng chén chuốt nhọn, dáng khệnh khạng và tiếng gáy nghe sang sảng. Từ con gà mái to vàng của đồng bằng đưa về, cơ quan tôi đã có ba bầy gà giò với sáu con mái đẻ. Chỉ có một mình nó là gà trống. Vì cái lý lịch và cuộc đời nó gắn bó với chúng tôi đến như vậy, nên không ai nỡ giêt nó. Nhưng bây giờ làm sao cho nó đừng gáy.

Ý kiến thứ nhất bị phản đối. Ý kiến thứ hai là buộc mỏ nó lại, khi nào cho nó ăn thì mở ra. Là một ý kiến hay nhưng thấy không được ổn lắm. Ý kiến thứ ba là lấy chỉ may cái da cổ nó nhúm lại. Làm vậy cũng được nhưng tội nghiệp nó quá. Ý kiến thứ tư là nhốt nó xuống hầm B.52, đậy nắp lại, nó có gáy thì gáy dưới hầm chẳng ai nghe. Ý kiến này nghe có lí, nó có hơi tối túng một chút nhưng so với việc nhốt trong bụi, trong chuồng nó còn thong thả hơn nhiều lại có lợi cả hai bề, nó sẽ tránh được mãnh bom, mảnh pháo.

Sáng kiến đó mới thiệt là sáng kiến. Cuộc họp giải tán, thằng Nam chạy ngay xuống chuồng, bắt con gà trống nhốt xuống hầm ngay dưới võng của mình, đậy nắp cẩn thận. Trong những ngày này, hoạt động của giặc ngày càng ráo riết. Xa xa đã có tiếng bay trực thăng. Máy bay B.57 cắt dọc cắt ngang trên bầu trời của khu rừng. Ðêm đêm có tiếng máy bay của T.20 Ðầm già – L19 rà sát qua ngọn cây, hãm máy nghe lụp bụp, hạ xuống để quan sát rồi đốt trảng dọn bãi đổ quân. Một vài cơ quan lượm được máy nghe của nó thả xuống, phát hiện được dấu giày của biệt cách với biệt kích. Các cơ quan lại được cấp trên nhắc đến công tác bảo mật, nhứt là tiếng động và nhắc lại tiếng gà gáy.

Con gà trống của chúng tôi bị nhốt dưới hầm B.52; tiếng gáy của nó có đánh tiếng cho bọn biệt cách, biệt kích hay không, máy nghe của bọn Mỹ thả xuống có ghi được hay không, chẳng ai biết; chỉ biết là tiếng gáy của nó không thật cho mọi người yên tâm rằng: mình chưa triệt để thi hành mệnh lệnh của cấp trên. Người không yên tâm nhứt là thủ trưởng, thủ trưởng nhắc anh em bảo vệ:

– Nên coi lại con gà, tiếng gáy của nó cứ nghe sang sảng.

Ðúng vậy thật. Ðể ý đến nó mà xem. Bây giờ cơ quan không ai gây ra một tiếng động nào lớn, không ca hát, ra-đi-ô không mở to, sân bóng chuyền đã phủ kín lá ngụy trang, không ai la ó hay cười đùa. Tuy bị nhốt dưới hầm, tiếng gáy của con gà trống cứ vang lên. Và khi được mọi người để ý, tiếng gáy của nó dưới mặt đất nghe âm âm, rền rền lại vang xa. Bình thường có khi nó gáy bên tai mình, mình cũng chẳng nghe thấy.

– Không ổn! Là mệnh lệnh chiến đấu, phải triệt để thi hành – Cái ý kiến hấp rượu, bảy phút là xong lại đặt ra. Có một vài người đồng tình, nhưng số đông lại có ý kiến còn nước còn tát. Thằng Nam lại ẳm nó đưa lên khỏi hầm rồi lấy kim chỉ may cái da cổ nó đùm nhíu lại. Bởi con gà trước khi gáy, cần cổ phải cất cong lên mới phát ra được tiếng gáy. Ðằng này, cái da cổ của nó bị đùm nhíu lại rồi, cái cần cổ của nó không sao cất lên được. Không được gáy, nhưng nó vẫn được xòe một cánh để theo mấy con mái. Bổn phận của anh trống nó không quên. Nhưng nó không chịu biết thân, nó cứ đập cánh, rướn cổ, cái cổ của nó như bị đùm da nhíu kéo cong xuống như thể nó đang bị mắc xương, tiếng gáy của nó cũng bị kéo trì xuống như tiếng ho của một lão già “kho…khoọt” nghe thật khổ sở. Thằng Nam đứng nhìn nó, không chịu nổi, nó ôm con gà vào lòng, vuốt lên vuốt xuống. “Xong trận càn rồi hãy gáy con ạ. Vội gì! Là gà nhưng cũng phải gáy cho đúng lúc, bây giờ thì tiếng gáy của con nó giết con đó”. Nghe thằng Nam nói chuyện với con gà, tôi thấy thương.

Mọi người đều yên trí rằng con gà không thể gáy được nữa. Trận càn ngày càng tiến đến gần. Báo động cấp hai. Một hôm gần sáng, con gà bỗng cất tiếng gáy oang oang.

Truyện ngắn Con gà trống của Nguyễn Quang Sáng
Truyện ngắn Con gà trống của Nguyễn Quang Sáng

Thằng Nam, tôi cùng với hai ba anh nghe, hoảng quá, phải đổ xô ra chuồng, bịt mỏ nó lại. Nó rướn mãi, rướn mãi, chỉ không đứt mà đứt cả da cổ. Nó cất tiếng gáy mà máu chảy ròng ròng! Ôm nó vào người, đưa tay bợ lấy cái cần cổ nó, nhìn máu đỏ cả tay mình, thằng Nam tặc lưỡi, hít hà, như chính nó đang bị đau. Nhìn thằng Nam lấy dây thun quấn cái mỏ của con gà trong ánh đèn lù mù, tôi cũng thấy xót xa. Chiến tranh ác liệt đến nỗi con gà cũng không được cất tiếng gáy!. Báo động cấp ba. Cơ quan tôi được lệnh di chuyển, nhường khu rừng lại cho bộ đội lập trận chiến đấu. Chúng tôi di chuyển vào lúc nửa đêm, bồng bị lên vai, cái gì có thể mang được, mang tất, kể cả gà mái lẫn gà giò. Không đợi đến phân công, thằng bé Nam cũng biết mình phải lo giữ con gà trống. Cái bồng đeo trên lưng, nó ôm con gà trống đứng cạnh tôi. Nó nói nho nhỏ với tôi:

– Nè chú, đem về rừng mới, cũng chưa chắc gì nó được gáy đâu, có chuyện gì thì mấy chú hấp rượu nó thôi. Mình đi rồi, không sợ lộ bí mật nữa. Cháu thả cho nó tự do nghe chú?

– Cháu muốn làm gì cháu làm.

– Không, chú phải ừ cháu mới dám.

– Ừ thì ừ.

Nó lại ôm con gà vào lòng, lại vuốt ve, nó kề miệng vào con gà nói thủ thỉ: “Ðừng để bọn Mỹ nó thịt nghe con. Nếu cơ quan không về thì con sống với gà rừng. Con phải tập bay, con sẽ làm chúa cái rừng này, nếu cơ quan trở về, thì cơ quan mang cả bầy vợ con về cho con, nghe hôn [5]”.

Ðến tối, tôi không nhìn thấy rõ nó, chỉ thấy hai con mắt nó nhỏ như hai hạt đậu, mở tròn và sáng rực. Chẳng biết nó nói gì mà “cùng cục” trong cuống họng. Thằng Nam áp cái đầu nó vào má mình, rồi tung nó lên cao. Nó đập cánh, tìm chỗ đứng, nghe rột rạt trên tán cây rừng.

– Ði!

Lệnh từ phía trên truyền xuống. Thằng Nam bước được một vài bước, ngoái đầu nhìn lên ngọn cây.

– Chắc nó đậu yên chỗ rồi hả chú?

– Ừ! Thôi bám theo người trước mà đi, đừng để đứt quãng.

Sau trận càn, chúng tôi lại kéo nhau trở về, khu rừng chúng tôi là bãi chiến trường. Ban ngày mà không nhận ra con đường mòn cũ nữa. Bãi bom B.52 làm mất cả phương hướng của chúng tôi. Phải đi một vòng qua bãi bom. Vừa chợt nhận ra trước là một cây đỏ đã nghẽn mất rồi. Bom đốt cháy cả những chòm cây mà mỗi lần bị lạc đường chúng tôi nhìn để tìm ra phương hướng.

Chúng tôi phải đi men theo dòng suối, mong tìm lại cái bến cũ khi chưa đào được giếng.

Men theo bờ suối, đi mãi, gần đến xế chiều mà cũng chưa tìm ra bến. Hố bom cũng dài ra theo con suối. Cái bến cũ đang nằm sâu dưới hố bom cũng nên. Chúng tôi cứ tiếp tục đi, đang đi, thằng Nam bỗng reo lên:

– Có tiếng gà gáy!

Cả đoàn dừng lại, mệt mỏi quá, nên người nào mắt cũng sáng lên.

– Có thiệt không Nam? – Một người hỏi.

– Thiệt, cháu nghe rõ ràng mà.

– Im, nghe lại lần nữa coi nào.

Chúng tôi lắng nghe, nhưng chỉ có tiếng gió và tiếng róc rách của con suối.

– Mày mơ chớ gà đâu mà gáy. Thôi đi!

Vừa cất bước thì tôi chợt thấy một cái bếp dã chiến, do chính tay tôi đào để hầm chân dọc [6] lúc cơ quan mới đến. Tôi reo lên:

– Ðây rồi, cái bếp! Cái bếp!

– Ðúng rồi! Cái cây kia kìa, đúng rồi. Nhờ thằng Nam, thằng Nam, nhờ cái tiếng gà trong mơ mà chúng tôi dừng lại đúng cái bến của con suối. Thằng Nam lanh lợi hơn cả, như một con sóc, nó trèo qua một thân cây ngả, vẹt đường.

Bước đến con đường mòn từ nhà bếp cơ quan dẫn xuống con suối – nay đã phủ đầy lá, chúng tôi đi dần vào chỗ ở cũ, mỗi bước mỗi thấy rõ những dấu vết của cơ quan: cây mắc võng, cái hố tròn, cái nền nhà… Thằng Nam đi trước, nó bỗng nhảy tưng lên và la lên một tiếng vui mừng:

– Kìa con gà! Con gà kìa.

Trước mắt chúng tôi, trên sân bóng chình ình cái xác xe tăng. Bị một phát B.40, nó co rúm lại, thành một khối sắt, đen sì. Và con gà, con gà trống đang đứng trên cái xác của cái kẻ không cho nó gáy giữa một khu rừng cháy. Con gà trống với bộ lông ba màu: sọc vàng, sọc đỏ, sọc xanh. Nó đứng đó, đường bệ và kiêu hãnh.

Thằng Nam vấp cái gì dưới chân suýt ngã. Nó đi chầm chậm, vừa đi vừa mím môi “bập bập” vừa đưa một bàn tay xòe ra đi dần lại con gà. Nghe có tiếng động, con gà quay lại. Nhận ra người, nó cất cái cần cổ nó lên, nó nhìn, rồi nó vỗ cánh, hướng về chúng tôi, nó rướn cổ:

– Ò ó o o!

Tiếng gáy của nó nghe thật sướng tai, khiến tôi không còn thấy mình đang trở lại với khu rừng cháy sau trận đánh nữa, mà nghe nôn nao như đang trở về với tiếng gà gáy của làng xóm quê hương vậy.

– Ò ó o o!…

Truyện Con gà trống – Nguyễn Quang Sáng
20 – 05 – 1970
Nguồn: Văn học 6, tập 2, trang 114, NXB Giáo dục – 2001

Chú giải trong câu chuyện

[1] Chống càn: tức chống những cuộc đưa quân đi càn quét của Mỹ – Ngụy.

[2] Hầm rượu: làm gà xong, cho vào nồi, đổ ít rượu vào rồi hấp. Gà chóng chín, thịt mềm, ăn ngon.

[3] Bươi: bới.

[4] Rít: rết.

[5] Nghe hôn: nghe không.

[6] Dọc: một loại thú rừng.

Nguyễn Quang Sáng và câu chuyện Con gà trống

1. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Nguyễn Quang Sáng (1932 – 2014), quê ở tỉnh An Giang. Ông còn có một bút danh khác là Nguyễn Sáng.

Ông được biết nhiều với vai trò tác giả và biên kịch của hai tác phẩm nổi tiếng là truyện ngắn Chiếc lược ngà và phim điện ảnh Cánh đồng hoang. Chiếc lược ngà sau này đã trở thành một tác phẩm quen thuộc được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa, còn phim Cánh đồng hoang cũng trở thành một trong những tượng đài của điện ảnh Việt Nam.

Tác phẩm chính của ông: Con chim vàng anh (1958), Người quê hương (1960), Đất lửa (1962), Chiếc lược ngà (1969), Bông cẩm thạch (1971), Mùa gió chướng (1975).

Năm 2000, Nguyễn Quang Sáng được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt II).

2. Truyện ngắn Con gà trống

Truyện ngắn Con gà trống được Nguyễn Quang Sáng sáng tác vào năm 1970, rút ra từ tập truyện ngắn Chiếc lược ngà .

Câu chuyện kể chuyện về một con gà trống của anh em cán bộ công nhân viên của một cơ quan thời kì kháng chiến chống đế quốc Mỹ nuôi ở rừng chiến khu Nam Bộ. Truyện đã phản ánh được một số nét sinh hoạt của cán bộ kháng chiến và lên án sự tàn khốc của chiến tranh khiến cho ngay cả một chú gà trống cũng không được cất lên tiếng gáy.

Truyện cũng cho ta thấy thêm tình thương yêu của cán bộ ở rừng chiến khu đối với con gà, một hình ảnh của đồng quê – nhất là tình thương yêu, chăm chút của bé Nam.

1 bình luận về “Con gà trống [Truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng]”

Bình luận đã đóng.