Cuộc chạy đua trong rừng (Tiếng Việt lớp 3)

Câu chuyện “Cuộc chạy đua trong rừng”

“Cuộc chạy đua trong rừng” (sách Tiếng Việt lớp 3) là một bài học ý nghĩa, nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ chủ quan, cho dù là việc nhỏ nhất.

Ngày mai, muông thú trong rừng mở cuộc thi chạy để chọn con vật chạy nhanh nhất.

Ngựa con thích lắm. Chú tin chắc sẽ giành được vòng nguyệt quế (1). Chú sửa soạn không biết chán và mải mê soi bóng mình dưới dòng suối trong veo. Hình ảnh chú hiện lên với bộ đồ nâu tuyệt đẹp, với cái bờm dài được chải chuốt ra dáng nhà vô địch…

Ngựa cha thấy thế, bảo:

– Con trai à, con phải đến bác thợ rèn để xem lại bộ móng (2). Nó cần thiết cho cuộc đua hơn là bộ đồ đẹp.

Ngựa con không rời bóng mình dưới nước, ngúng nguẩy đáp:

– Cha yên tâm đi. Móng của con chắc chắn lắm. Con nhất định sẽ thắng mà!

Cuộc thi đã đến. Sáng sớm, bãi cỏ đông nghẹt. Chị em nhà hươu sốt ruột gặm lá. Thỏ trắng, thỏ xám thận trọng ngắm nghía các đối thủ (3). Bác quạ bay đi bay lại giữ trật tự. Ngựa con ung dung bước vào vạch xuất phát.

Tiếng hô “Bắt đầu!” vang lên. Các vận động viên rần rần chuyển động. Vòng thứ nhất… Vòng thứ hai… Ngựa con dẫn đầu bằng những bước sải dài khỏe khoắn. Bỗng chú có cảm giác vướng vướng ở chân và giật mình thảng thốt (4): một cái móng lung lay rồi rời hẳn ra. Gai nhọn đâm vào chân làm ngựa con đau điếng. Chú chạy tập tễnh và cuối cùng dừng hẳn lại. Nhìn bạn bè lướt qua mặt, ngựa con đỏ hoe mắt, ân hận vì không làm theo lời cha dặn.

Ngựa con đã rút ra được bài học quý giá: đừng bao giờ chủ quan, cho dù đó là việc nhỏ nhất.

Câu chuyện “Cuộc chạy đua trong rừng”
Theo Xuân Hoàng

Chú thích trong câu chuyện

  1. Vòng nguyệt quế: vòng thường được kết bằng cành cây nguyệt quế, dùng để tặng người chiến thắng trong các cuộc thi.
  2. Móng: miếng sắt hình vòng cung gắn vào dưới móng chân lừa, ngựa,… để bảo vệ chân.
  3. Đối thủ: người (hoặc đội) tranh thắng thua với người (đội) khác.
  4. Thảng thốt: hoảng hốt vì bất ngờ.

Ý nghĩa câu chuyện “Cuộc chạy đua trong rừng”

Câu chuyện “Cuộc chạy đua trong rừng” là câu chuyện của tác giả Xuân Hoàng, được đưa vào giảng dạy trong chương trình sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3. Truyện tuy ngắn gọn, nhưng có nhiều ý nghĩa giáo dục dành cho các bạn nhỏ.

  • Trước hết, truyện là bài học dành cho những người có tính chủ quan, coi thường chuyện nhỏ trong cuộc sống.
  • “Cuộc chạy đua trong rừng” còn là lời nhắc nhở các bạn nhỏ hãy biết lắng nghe những lời khuyên chân thành và hữu ích từ những người thân yêu của mình.
  • Cuối cùng, thành công chỉ đến với những người chăm chỉ rèn luyện. Thay vì luyện tập hàng ngày để có thể đảm bảo chiến thắng trong cuộc thi, ngựa con lại mải mê soi bóng mình dưới dòng suối, mơ tưởng về chân dung của nhà vô địch.

Thử thách trong câu chuyện “Cuộc chạy đua trong rừng”

  1. Muông thú trong rừng mở hội thi để làm gì?
    1. Chọn con vật khỏe nhất.
    2. Chọn con vật nhanh nhất.
    3. Chọn con vật đẹp nhất.
  2. Ngựa con đã chuẩn bị như thế nào cho hội thi?
    1. Đến gặp bác thợ rèn để xem lại bộ móng.
    2. Chăm chỉ tập chạy với những bước sải dài.
    3. Chải chuốt, mải mê soi bóng mình dưới suối.
  3. Ngựa con được cha khuyên thế nào?
    1. Cần chuẩn bị cho mình một bộ đồ nâu tuyệt đẹp.
    2. Cần chải chuốt bộ bờm dài cho ra dáng nhà vô địch.
    3. Cần phải đến bác thợ rèn để xem lại bộ móng.
  4. Vì sao ngựa con không nghe lời khuyên của cha?
  5. Chuyện gì xảy ra với ngựa con trong cuộc thi?
  6. Qua câu chuyện, bạn rút ra bài học gì?
  7. Tìm trong câu chuyện 4 từ chỉ đặc điểm của ngựa con.

Những câu chuyện ngụ ngôn ý nghĩa

Truyện ngụ ngôn là những câu chuyện dân gian, sử dụng các biện pháp ẩn dụ hoặc nhân hóa loài vật, con người để chỉ đến một vấn đề triết lý, luân lý mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc hoặc lên án về một thực tế, về những tật xấu của con người.

Ngoài câu chuyện “Cuộc chạy đua trongh rừng” của tác giả Xuân Hoàng kể trên, Thế giới cổ tích đã sưu tầm và chọn lọc ra những câu chuyện ngụ ngôn hay nhất, mang tính giáo dục sâu sắc không chỉ dành riêng cho các bạn nhỏ, mà còn là những bài học vô cùng ý nghĩa đối với tất cả chúng ta.