Địa ngục và Diêm Vương
Địa ngục và Diêm Vương trong thần thoại Việt Nam sẽ hé lộ cho chúng ta những điều kỳ bí về cõi âm – thế giới phía dưới mặt đất của loài người sau khi chết.
Thế giới phía dưới mặt đất của loài người gọi là cõi âm do một vị thần được Trời giao cho cai quản gọi là Diêm Vương. Thế giới địa ngục chia ra làm thập điện, do mười vị Thập điện Diêm Vương xét xử. Trong mười vị vương ở cõi âm, Diêm Vương là chúa tể trên hết. Những hồn chết khi xuống cõi âm, trước tiên phải qua Diêm Vương xét xem lúc sinh thời, nếu có nhúng tay vào tội ác thì Diêm Vương mới giao cho chín vị kia trừng phạt.
- Vị thứ nhất trị những kẻ cho vay nặng lãi, những thầy lang dốt nát làm chết oan người khác.
- Vị thứ hai trị những tham quan ô lại, những kẻ ác khẩu, vu khống.
- Vị thứ ba trị những kẻ hà tiện, những kẻ làm vàng bạc giả, những con buôn bất lương, những kẻ nguyền rủa trời đất.
- Vị thứ tư trị những kẻ sát nhân, trộm cướp, dâm dật.
- Vị thứ năm trị những kẻ tà bậy, lộng ngôn.
- Vị thứ sáu trị những kẻ đào mồ mả người khác, hoặc bán thịt người.
- Vị thứ bảy trị những kẻ bất hiếu.
- Vị thứ tám trị những kẻ đốt nhà cùng coi những những chết vì tai nạn rủi ro.
- Vị thứ chín có nhiệm vụ trông non cho hồn người chết đầu thai.
Thế giới cõi âm là một thành trì lớn, những hồn người chết phải qua cửa Ngạ quỷ (Quỷ môn quan) vào đây, con sông Nại Hà bọc quanh thành, có ba cái cầu: Cầu bằng vàng cho những hồn hóa thành thần thánh; cầu bằng bạc cho những hồn nhân đức; còn cầu dành cho những hồn tội lỗi bề ngang chỉ có ba bước không có thành cầu, cầu dài nhiều dặm, hồn qua cầu khó tránh khỏi rơi xuống sóng nước cuồn cuộn chảy bên dưới làm mồi cho rắn đồng chó sắt tranh nhau cắn xé.
Hồn người chết chẳng những chịu trách nhiệm về những hành vi trong đời sống vừa qua, mà còn ở các đời trước nữa. Hồn không thể nhớ được vì đã ăn cháo lú để quên hết, qua mỗi lần ra khỏi địa ngục, song ở thập điện có sẵn một cái gương sẽ thấy rõ hình dáng mình trong các kiếp trước cùng những tội lỗi đã gây nên. Diêm Vương căn cứ vào các tội lỗi hiện ra trong gương mà kết án, chịu các cực hình rồi đầu thai thành thú vật.
Còn những hồn đã làm điều tốt lành thì được đưa về thế giới Tây phương cực lạc, hoặc đầu thai kiếp khác thành thần hay thành người.
Sau khi ăn cháo lú rồi, nếu hồn phải hóa kiếp làm vật, thì quỷ thập điện khoác lên vai hồn lớp da con thú sẽ đầu thai, rồi đưa qua cầu khổ ải ở trên một dòng sông sâu nước đỏ màu máu, hồn bị đẩy xuống sông cho dòng nước cuốn trôi đi qua kiếp khác. (Cũng có thuyết cho rằng, hồn phải bước lên bánh xe pháp luân để bánh xe quay đẩy lên cõi trần).
Còn những hồn chết oan uổng trước ngày gờ đã ghi trong sổ sinh tử, dù đã chết vì tai nạn đều bị dẫn vào thành Oan Hồn Uổng Tử hóa thành quỷ đói, quỷ khát. Muốn đầu thai quay lại, hồn phải kiếm được hồn khác thay thế. Muốn được như thế, sau một thời gian ở âm phủ, những hồn này được phép về trần, đến tại nơi đã chết trước kia, làm cách nào cho ai đi qua đó bị cám dỗ chết theo như họ, thì họ mới đầu thai lại được.
Đi lại chín tầng địa ngục để cứu độ những linh hồn tội lỗi là Địa Tạng Bồ Tát. Thuở sinh thời, Địa Tạng là một nhà sư trẻ tuổi có phát lời nguyền như vậy và được Phật tổ giao phó cho việc ấy. Địa Tạng có dáng một nhà sư, tay phải cầm gậy sắt, tay trái cầm hòn ngọc chiếu sáng đường đi dưới cõi âm.
Địa ngục và Diêm Vương – Truyện thần thoại Việt Nam
– TheGioiCoTich.Vn –
Kho tàng truyện thần thoại Việt Nam chọn lọc
Ngoài chuyện kể về Địa ngục và Diêm Vương nói trên, còn có rất nhiều các vị thần khác: thần Sông, thần Rừng, thần Lửa, thần Sắt,… mỗi thần phụ trách một công việc với những quyền năng và sức mạnh khác nhau.
Thế giới cổ tích còn giới thiệu đến bạn đọc kho tàng truyện thần thoại Việt Nam chọn lọc với những câu chuyện vô cùng hấp dẫn, giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn về việc lý giải các hiện tượng lớn xảy ra trong tự nhiên cũng như khát vọng chinh phục thiên nhiên của người Việt thuở xưa.
Hãy cùng bước chân vào thế giới của những vị thần vĩ đại, những người anh hùng dũng cảm, hay những con quái vật đáng sợ thông qua những câu chuyện thần thoại Việt Nam đầy sức hấp dẫn.
1 bình luận về “Địa ngục và Diêm Vương trong thần thoại Việt Nam”
Bình luận đã đóng.