Đồng tiền Vạn Lịch [Truyện tranh cổ tích hấp dẫn]

Câu chuyện Đồng tiền Vạn Lịch

Đồng tiền Vạn Lịch là câu chuyện cổ tích kể về một phú thương giàu sang nhưng bạc tình bội nghĩa và giải thích nguồn gốc của đồng tiền Vạn Lịch cổ xưa.

Truyện còn là bài học giáo dục sâu sắc về sự tin tưởng lẫn nhau trong mối quan hệ vợ chồng.

Thời ấy, trên sông có người lái buôn tên là Vạn Lịch. Bác Vạn Lịch giàu nhất vùng, thuyền bác quanh năm xuôi ngược từ các ngọn nguồn ra cửa biển.

Bác Vạn Lịch buôn to bán lớn, đi thiên sơn vạn thủy nhưng tính bác lại hà khắc. Vợ bác là Mai Thị chỉ ở nhà mà đã bao phen khổ cực vì bác hay nghi kị vợ không chung thủy.

Một hôm bác Vạn Lịch nằm trong thuyền, Mai Thị ngồi đầu khoang thuyền têm trầu. Gió thổi lạnh hun hút, Mai Thị nhìn thấy một người đánh giậm, đóng khố cởi trần, chân run lẩy bẩy. Mai Thị động lòng thương liền cầm âu trầu ra bảo:

– Trời rét thế này, bác lấy khẩu trầu ăn cho ấm bụng.

Truyện cổ tích Đồng tiền Vạn Lịch
Truyện cổ tích Đồng tiền Vạn Lịch

Bác Vạn Lịch từ trong thuyền nhìn ra, thấy vợ đưa trầu cho người đánh giậm. Cơn ghen lôi đình nổi đùng đùng. Bác gọi vợ vào, đánh cho một trận tàn tệ rồi nhặt xống áo của vợ với một thoi vàng vứt cả lên bãi, đuổi đi.

Người vợ khóc lóc van xin thế nào người chồng cả ghen cũng không cho ở lại. Đành phải nuốt nước mắt ra đi.

Một ngày kia, Mai Thị gặp lại người đánh giậm ngoài bãi sông kể lại câu chuyện. Người đánh giậm nói:

– Để tôi đến giãi bày nỗi oan cho Thị.

– Bác mà đến bây giờ người ta giết bác đấy!

– Nhưng không thể lang thang mưa gió thế này, hay là Thị về lều tôi.

Mai Thị nghĩ thế là số trời đã định và hai người nên duyên vợ chồng. Người chồng thật tốt bụng và hiền lành nên cuộc sống tuy nghèo khó nhưng thuận hòa.

Một hôm có con gà vào bới bếp, chồng chợt thấy trong bọc xống áo của vợ có thoi vàng liền ném đuổi con gà. Chẳng ngờ quá tay, thỏi vàng văng xuống sông. Người vợ nhìn thấy kêu lên:

– Anh vứt hết vàng đi rồi!

– Đây là thoi vàng à? Thế thì chỗ tôi đánh giậm đầu mỏm đằng kia có nhiều bằng đống đá.

Vợ chồng hối hả ra mỏm sông. Nước trong nhìn xuống đáy đúng một đống vàng thoi lấp lánh, thoi nào cũng khắc hai chữ Vạn Lịch.

Hỏi ra mới biết, một năm trước thuyền của bác Vạn Lịch đi qua nơi này rồi gặp bão, bị đắm. Bao nhiêu của cải, hàng hóa chìm xuống sông hết, chỉ riêng bác Vạn Lịch là ngoi ngóp bơi vào bờ được.

Rồi hai vợ chồng đội mấy thúng vàng về. Người vợ đem bán vài thoi lấy tiền dựng lên nhà cửa tử tế.

Truyện cổ tích Đồng tiền Vạn Lịch
Truyện cổ tích Đồng tiền Vạn Lịch

Có nhà khang trang rồi nhưng quanh quẩn tối ngày chỉ có hai vợ chồng, người chồng nói:

– Chẳng có ai đến chơi, buồn ghê!

Người vợ bật cười nói vui:

– Hiền như anh thì chỉ có chơi với phỗng.

Một hôm, người chồng vào trong làng, đến một ngôi đền thấy pho tượng phỗng ngồi trên bệ, liền reo lên:

– A, bác phỗng đây rồi! Mời bác về nhà tôi chơi.

Nhưng pho tượng vẫn ngồi yên chẳng động đậy, sốt ruột ông nhắc pho tượng đứng lên thì pho tượng đổ kềnh ra, chán quá liền bỏ đi.

Về nhà, chồng kể lại chuyện với vợ. Vợ lại được phen cười ngặt nghẽo.

Nào ngờ, ngôi đền có pho tượng ấy chính là nơi phát tích của nhà vua ở lúc hàn vi. Đến khi được lên ngôi vua, vua vẫn nhớ ơn nên đã tu sửa và quanh năm hương khói.

Sau khi pho tượng đổ kềnh, tự dưng nhà vua bị đau liệt một bên người, uống thuốc cũng không khỏi. Đêm nằm vua mộng thấy bụt hiện về nói:

– Có động ở đền phát tích.

Vua cho người về đền, thấy tượng phỗng nằm đổ kềnh dưới đất. Nhà vua làm lễ tạ rồi sai trai tráng trong làng ra rước nâng tượng lên. Lạ thay cả chục người ghé vai khiêng mà pho tượng vẫn nằm trơ ra. Nhà vua lo lắm lại càng thêm đau nặng bèn yết bảng khắp nơi cầu trong thiên hạ đâu có người tài dựng được pho tượng lên.

Câu chuyện Đồng tiền Vạn Lịch
Câu chuyện Đồng tiền Vạn Lịch

Mai Thị ra chợ thấy người xúm xít xem bảng cầu người tài. Thị nhớ mang máng có một lần chồng đã kể chuyện vào đền chơi với phỗng làm đổ pho tượng. Về nhà Mai Thị thuật lại chuyện với chồng và chồng nói:

– Đúng, tôi kéo phỗng đứng dậy nhưng phỗng cứ lăn đùng ra.

– Thế bây giờ có nhấc được phỗng đứng dậy không?

– Tượng bằng gỗ, nhấc dễ như bỡn.

Vợ chồng vào đền trong lúc quan quân và cả làng đang đứng quanh pho tượng. Anh đánh giậm khẽ nâng pho tượng lên rồi nhẹ nhàng đặt lên bệ như ta đặt hòn đất đầu rau ông vua bếp.

Trong kinh đô, nhà vua ngồi dậy được. Vua khỏi bệnh. Quan quân tâu, người nhấc được pho tượng chính là anh đánh giậm. Vua cho gọi đến và hỏi:

– Nhà ngươi có công lớn, nay muốn được thưởng gì?

– Dạ, bẩm bệ hạ, thưởng gì cho thảo dân cũng được ạ.

– Ngươi quen sông nước, nay ta phong chức quan tuần ti, trông nom thu thuế thuyền bè ra vào cửa sông.

Vợ chồng Mai Thị lạy tạ nhà vua rồi đi nhận chức.

Một hôm, bà tuần ti ra ngồi án thư thu thuế, kiểm soát thuyền vào bến. Chợt có một người nhà thuyền bước vào, gương mặt tái mét. Mai Thị nhận ra đấy là người chồng cũ.

Chuyện rằng, từ ngày thuyền đắm, bác Vạn Lịch mất hết của cải sinh ra nghèo túng, ốm yếu. Ngày ngày tự đánh bắt cá nuôi thân.

Mai Thị nhìn bác và mỉa mai:

“Biết rằng anh vẫn đi buôn
Em về kiếm chốn nha môn ngồi tuần.
Dù anh buôn bán xa gần
Làm sao tránh khỏi cửa tuần em đây…”

Bác Vạn Lịch nghe chưa hết câu đã lặng người quay đi, từ đấy những người dân chài không bao giờ thấy bác nữa.

Câu chuyện Đồng tiền Vạn Lịch
Câu chuyện Đồng tiền Vạn Lịch

Mai Thị nghĩ cũng thương con người biết hối lỗi. Vợ chồng Mai Thị xin nhà vua cho phát trẩn một năm đói kém. Vàng bạc trong nhà đúc thành tiền khắc hai chữ Vạn Lịch đem chia cho người nghèo.

Từ đó, mới có câu hát mang nhiều ý nghĩa:

Đồng tiền Vạn Lịch thích bốn chữ vàng
Công em dan díu với chàng bấy lâu
Bây giờ chàng lấy vợ đâu
Thì em xin giúp trăm cau nghìn vàng
Năm trăm em đốt cho chàng
Còn năm trăm nữa giải oan lời thề…

Truyện cổ tích Đồng Tiền Vạn Lịch
– TheGioiCoTich.Vn –

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.