Giấc mơ cuối cùng của cây sồi [Truyện cổ Andersen]

Câu chuyện Giấc mơ cuối cùng của cây sồi

Giấc mơ cuối cùng của cây sồi là truyện cổ tích ý nghĩa của Andersen, cho thấy hạnh phúc chỉ đơn giản là việc được tận hưởng niềm vui chung với mọi người.

1. Con vờ và cuộc đời ngắn ngủi

Trong rừng, gần bờ biển, trên chốc vách đá hiểm trở, vươn lên một cây sồi cổ thụ. Sồi sống được ba trăm sáu mươi lăm năm, nhưng quãng thời gian ấy đối với sồi cũng chẳng hơn gì chúng ta sống ba trăm sáu mươi lăm ngày. Chúng ta thức vào ban ngày và ngủ vào ban đêm. Lúc ấy là lúc chúng ta thường có những giấc mơ. Đối với cây sồi lại khác. Nó thức suốt ba mùa trong năm và chỉ ngủ lúc đông về. Mùa xuân, mùa hạ, mùa thu xem như ban ngày dài dặc và sau đó mùa đông có thể coi như giấc nghỉ ban đêm của cây sồi.

Trong những ngày hè đẹp đẽ, luôn luôn có đàn vờ, loài côn trùng chỉ sống có một ngày đến bay lượn quanh cây sồi cổ thụ để tận hưởng cảnh vui sướng trên đời. Có một lần, một trong những con vật bé bỏng ấy đến đậu trên một tấm lá sồi tươi đẹp mới mọc.

Sồi bảo:

– Hỡi chú nhãi con đáng thương kia, cả cuộc đời chú chỉ được có một ngày thôi. Sao mà ngắn ngủi vậy? Thật đáng buồn thay!

– Buồn ư? Anh định nói gì thế. Xung quanh tôi, vạn vật thật là kỳ diệu, không khí trong sạch, ấm áp, tôi cảm thấy tràn đầy hạnh phúc.

– Phải, nhưng chỉ được có một ngày thôi, rồi thế là hết.

– Hết ư? – Vờ nhại lại; hết nghĩa là gì nhỉ? – Thế anh có “hết” không?

– Không, ta sống gấp muôn ngàn lần cuộc đời của chú, vì một ngày của ta dài hơn cả mấy mùa liền. Đó là cả một khoảng thời gian dài mà chú không thể nào hình dung nổi.

– Không ư? Thế thì tôi không hiểu anh được đâu. Anh có thể sống gấp muôn ngàn lần cuộc đời của tôi, nhưng tôi lại có muôn ngàn giây phút sung sướng và vui vẻ. Thế còn khi anh chết, liệu tất cả vẻ đẹp trên thế gian này có cùng chết với anh không?

– Tất nhiên là không, – sồi đáp. – Vẻ đẹp của thiên nhiên sẽ tồn tại vĩnh viễn, lâu đến nỗi chính ta cũng chẳng hình dung nổi.

– Tưởng gì? Thế thì chúng ta cũng cùng chung một cảnh; chỉ khác nhau về cách tính toán mà thôi.

Nói rồi vờ lại nhảy múa, bay vụt lên không gian, khoe đôi cánh mềm mại như nhung, như xa tanh, tận hưởng làn gió nhẹ, ngát hương cỏ linh lăng, dã tường vi, hương mộc và kim ngân hoa, xạ hương dại, bạc hà và xạ ngân hoa. Hương thơm sực nức đến nỗi vờ ta càng thở hút càng say sưa. Ngày hôm ấy dài và huy hoàng, vui tươi đến nỗi khi mặt trời bắt đầu ngả bóng, vờ cảm thấy mệt mỏi, đôi cánh không còn đủ sức đỡ nổi thân; nhẹ nhàng vờ rớt xuống thảm cỏ êm đềm, rồi thiếp đi trong một giấc ngủ dịu dàng, bình thản. Vờ đã chết. Sồi lẩm bẩm:

– Con vờ nhỏ bé đáng thương thay. Cuộc đời nó sao mà ngắn ngủi thế?

Rồi cứ như vậy, từng ngày hè một, cuộc hoan lạc của đàn vờ lại bắt đầu. Sồi lại có dịp chuyện trò tương tự như trên. Và dịp đó tiếp diễn với không biết bao nhiêu là kiếp vờ mà kể, nhưng con vờ nào cũng đều cảm thấy tràn trề hạnh phúc vui tươi.

2. Giấc mơ cuối cùng của cây sồi

Cây sồi thức suốt buổi sáng, tức là mùa xuân, buổi trưa, tức là mùa hạ, và buổi chiều, tức là mùa thu. Đã chớm sang đông, thời gian nghỉ ngơi của sồi đã tới. Gió đã cất tiếng ca: “Hãy ngủ cho ngon, hãy ngủ cho ngon!”. Đó đây lá rụng. Gió hát rằng:

– Ngủ đi, ngủ đi sồi, chúng ta sẽ ru cho sồi ngủ. Chúng ta sẽ hát lên và sẽ rung mạnh cho những cành già cỗi của sồi khoan khoái kêu lên răng rắc. Ngủ cho say, hãy ngủ cho say! Đây là đêm thứ 365 của sồi. Thực ra sồi chẳng còn là một đứa trẻ trên đời này nữa. Ngủ say đi, mây sẽ rắc tuyết trên thân sồi, tuyết sẽ rơi thành một tấm chăn đẹp và ấm phủ chân sồi. Hãy ngủ cho say; chúc sồi có nhiều giấc ngủ mộng đẹp.

Thế là cây sồi rụng hết lá và ngủ thiếp đi suốt mùa đông. Nó mơ thấy biết bao mộng đẹp, trong đó cuộc đời đã qua của nó diễn lại như loài người chúng ta vẫn thường mơ thấy. Nó nhớ lại rằng xưa kia khi còn bé tí, phải, cái nôi của nó chỉ là một vỏ hạt sồi. Theo cách tính của loài người, bây giờ nó đã sống được đến thế kỷ thứ tư rồi. Nó là gốc cây lớn nhất và đẹp nhất khu rừng này. Ngọn của nó vươn lên trên đất cả các ngọn cây khác, từ xa tít ngoài biển, người ta đã trông thấy nó, vì thế nó được dùng làm mục tiêu cho thủy thủ. Đã có không biết bao nhiêu cặp mắt lo âu hãi hùng hướng về nó rồi?

Trên cành cao của nó, chim làm tổ, và từ nơi ấy tu hú cất giọng kêu đều đều, vẳng đến tận nơi xa. Mùa thu, khi lá nó ngả màu vàng như những tấm đồng, các loài hải điểu lại tụ tập trên cành sồi, trước khi cất cánh vượt biển cả. Nhưng giờ đây là mùa đông. Cây sồi nhô lên trơ trụi, không một chiếc lá, và bây giờ người ta mới có thể thấy được những cành xòe từ thân nó ra cong queo, vặn vẹo. Quạ khoang và quạ đen tới đậu trên cành, xào xạc than vãn thời tiết xấu và mùa đông khó kiếm mồi.

Nhưng đến đúng đêm trước Noel, sồi mơ một giấc mơ đẹp nhất đời. Sồi có một cảm giác lạ về ngày lễ đó và trong cơn mơ, sồi tưởng chừng như nghe thấy vang lên tiếng chuông của tất cả các nhà thờ quanh vùng. Tuy là mùa đông, sồi cảm thấy đang sống trong một ngày hè ấm áp, dịu dàng. Ngọn cây đồ sộ của sồi đầy lá xanh tươi, ánh nắng dỡn qua cành lá; không khí đầy hương thơm; đàn hươu nhiều màu sắc chơi hú tim, đàn vờ nhảy múa trên mình hươu, làm như thế giới được cấu tạo nên chỉ để cho chúng vui chơi, nhảy múa. Tất cả những cảnh tượng đã xảy ra từng ngày trong cuộc đời quá khứ diễn lại qua mắt sồi như một đám rước ngày hội. Các hiệp sĩ thời cổ và các công nương quý phái, cưỡi trên mình những con tuấn mã đẹp nhất, lũ lượt kéo qua khu rừng, đầu cài lông vũ, chim ưng đậu trên tay. Tiếng kêu săn vang lên, chó sủa ầm ĩ. Rồi đến những kỵ binh quần áo sặc sỡ, tay mang vũ khí sáng quắc, vai vác súng hỏa mai và búa trận tới dựng lều và nhóm lửa; họ ca hát và yên giấc dưới sự che chở của cây sồi. Trong những đêm trăng thanh bình lại còn có cả những cặp tình nhân hẹn hò nhau dưới gốc cây và khắc những chữ đầu tên của họ vào vỏ sồi. Một hôm, đã lâu lắm, có những khách bộ hành vui tính treo những cây đàn lên cành sồi; cho đến giờ, sồi như còn vẳng nghe thấy những âm thanh kỳ diệu. Chim hót lên như để diễn đạt những cảm giác của sồi, tu hú kêu vang lên như để bảo cho sồi biết còn được sống bao nhiêu ngày hè nữa. Lúc đó sồi cảm thấy một luồng sống mới chạy từ ngọn đến rễ, lần lượt xuyên qua khắp cơ thể và lên tới tận những cành cao nhất. Sồi cảm thấy đang vươn cao lên, xòe rộng ra, trong lúc từ lòng đất, rễ cây đang hút lên một nguồn sinh lực mới. Càng ngày sồi càng cao, càng khỏe, tán rộng ra, lá mọc dầy. Càng vươn cao sồi càng cảm thấy hạnh phúc; sồi chỉ muốn cao lên mãi về phía nắng ấm, về phía mặt trời chói lọi. Thế rồi ngọn sồi chọc thủng những đám mây đang lững lờ bay, trông tựa như những đàn thiên nga trắng. Lá sồi tựa như có mắt, mải mê nhìn. Mặc dầu giữa ban ngày chói chang, sồi vẫn nhìn rõ các vì sao đang lấp lánh, đẹp hơn bao giờ hết. Sồi liên tưởng đến những cặp mắt của trẻ thơ hay của những cặp tình nhân thường gặp gỡ nhau dưới bóng sồi.

Đó là những phút kỳ diệu, tràn đầy hạnh phúc của cây sồi già. Trong lúc hoan hỷ như vậy, sồi muốn những cây cỏ, bụi hoa mọc dưới chân sồi, cũng mọc cao như sồi để ngắm nghía cảnh hùng vĩ của trời đất và cùng chia sẻ hạnh phúc với sồi. Sồi cho rằng không thể hoàn toàn sung sướng nếu những cây lớn, cây nhỏ không được chia sẻ hạnh phúc với sồi. Rồi cảm giác ấy lay động cành lá của sồi như nhiệt tình làm rung chuyển những sợi tơ lòng của một con người. Đầu sồi đung đưa ngả về phía mặt đất, hình như sồi muốn tìm kiếm một vật gì. Lúc đó mùi xạ hương và hương thơm sực nức của kim ngân hoa và hoa tím xông lên tận ngọn sồi. Sồi lại tưởng chừng như nghe thấy cả tiếng chim tu hú hót. Cuối cùng nó được toại nguyện. Kia rồi! Cây cỏ lớn lên rất nhanh, một vài cây bật cả rễ lên để vươn được nhanh hơn. Cây phong mọc nhanh nhất. Cành cây vươn lên không trung, trông như những dải lụa, hoặc như những lá cờ đuôi nheo, có lúc như những đường ngoằn ngoèo rực lửa của ánh chớp trên nền trời đêm. Tất cả cây cối trong rừng, cho đến cả những bụi cây đen xì, cũng lớn lên theo, ca hát vang lừng. Trên một nhánh cỏ xanh, phất phới trong không trung như một dải lụa dài màu xanh, vắt vẻo một chú châu chấu đang nỉ non. Dế rúc, ong vo ve, chim hót mỗi con một kiểu. Không trung tràn ngập một âm điệu lạ kỳ. Bỗng cây sồi hỏi:

– Thế còn đóa hoa xanh, bé tí xíu, mọc ven bờ suối đâu rồi? Bìm bìm và cúc trắng nữa?

Sồi muốn cho chúng được lên gần với sồi. Những đóa hoa vừa được nhắc tới vội reo lên:

– Có chúng tôi đây! Có chúng tôi đây!

– Còn cây xạ hương mọc mùa hè năm ngoái nữa đâu rồi nhỉ? Cả cây linh lan năm ngoái phủ hoa đầy mặt đất, cả cây táo dại đã ra hoa nữa? Tất cả cây cối mọc dưới kia, phải lên trên này chứ!

– Có chúng tôi đây! Có chúng tôi đây!

Bao nhiêu tiếng reo trong không trung ấy làm cho sồi vô cùng sung sướng. Sồi hỏi:

– Thật là đẹp! Lớn bé đều lên cả đây với mình, không thiếu một cây nào. Thật sung sướng không thể tưởng tượng được, gần như không thể tin được.

Một giọng nói vẳng lên qua cõi hư vô:

– Tất nhiên, trên trời này, với đức Thượng Đế chí linh, có thể tưởng tượng và có thể tin tất cả.

Rồi cây cổ thụ vẫn cứ lớn lên, lớn lên mãi; cuối cùng sồi cảm thấy rễ mình bật ra khỏi đất. Sồi nghĩ thầm:

– Tốt lắm! Thế thì tốt nhất. Chẳng còn gì ràng buộc ta nữa, ta có thể bay lên cõi sáng vĩnh viễn cùng với tất cả đám cây cối lớn nhỏ yêu mến của ta. Chúng đều lên đây cả rồi, không sót cây nào.

Giấc mơ của cây sồi cổ thụ là như thế đó. Trong khi sồi mơ như thế thì một cơn bão khủng khiếp quét trên mặt đất liền và ngoài biển cả vào đúng đêm Noel. Từng đợt sóng khổng lồ đổ vào vách đá. Gió gào lên không ngừng làm rung chuyển cây sồi già. Rễ cây bật tung khỏi đất vào đúng lúc sồi mơ thấy không còn gì ràng buộc sồi nữa. Sồi đổ xuống. Thế là cuộc đời ba trăm sáu mươi lăm năm của nó đã qua, chẳng khác gì kiếp sống ngắn ngủi của con vờ.

Sáng hôm Noel, mặt trời vừa mọc thì cơn bão cũng ngớt. Chuông vang lên ở tất cả các nhà thờ. Từ mỗi nhà, ngay cả căn lều tồi tàn nhất, bốc lên trời xanh một làn khói giống như khói hương trên bàn thờ các thần ở xứ Gaule thuở xưa. Biển cả dần dần trở lại yên tĩnh. Trên một chiếc tàu lớn, vừa chống chọi một đêm với phong ba, ngươi ta đã kéo tất cả cờ xí lên để mừng ngày lễ lớn. Thủy thủ kêu lên:

– Thôi nó đổ rồi, cái cây sồi cổ thụ ta vẫn dùng làm mục tiêu trên bờ biển đổ mất rồi? Chắc bão đã làm đổ cây đêm qua. Chẳng còn cây nào có thể thay cây sồi để làm mục tiêu cho ta nữa.

Đó là bài điếu văn ngắn ngủi, nhưng thấm thía viếng cây sồi cổ thụ.

Sồi nằm sóng sượt trên bờ biển phủ tuyết, và trên tấm vải liệm ấy vang lên tiếng hát và tiếng cầu nguyện của những người thủy thủ.

Mỗi người trên tàu cảm thấy lòng mình dâng lên theo tiếng hát và tiếng cầu nguyện, hệt như cây sồi cổ thụ đã cảm thấy linh hồn bay về cõi sống vĩnh viễn trong giấc mơ cuối cùng của sồi, sáng ngày Noel.

Câu chuyện Giấc mơ cuối cùng của cây sồi
Nguyễn Văn Hải – Vũ Minh Toàn dịch
Nguồn: Truyện cổ Anđecxen – tập 2, trang 133, NXB Đà Nẵng – 1986

– TheGioiCoTich.Vn –

Tìm mua Truyện cổ Andersen toàn tập

Nếu muốn, các bạn có thể đặt mua bộ Truyện cổ Andersen toàn tập về đọc với chất lượng giấy tốt và hình ảnh minh họa vô cùng đẹp mắt.
Mua truyện tại Fahasa Mua truyện tại Tiki Mua truyện tại Shopee

Truyện cổ Andersen
Truyện cổ Andersen

Kho tàng truyện cổ tích dành cho các bé

Ngoài câu chuyện Giấc mơ cuối cùng của cây sồi kể trên, Thế giới cổ tích còn sưu tầm và chọn lọc rất nhiều những câu chuyện cổ tích thú vị, hấp dẫn khác. Các bạn nhỏ sẽ được bước chân vào thế giới của các bà tiên quyền năng, các nàng công chúa xinh đẹp hay các chàng hoàng tử dũng cảm,… Và đằng sau mỗi câu chuyện ấy đều là những bài học bổ ích về đạo đức và cuộc sống.

Đừng quên khám phá kho tàng truyện cổ tích hay nhất của Việt Nam và thế giới tại TheGioiCoTich.Vn.