Hai con Cò và con Rùa [Truyện ngụ ngôn cho bé]

Truyện ngụ ngôn Hai con Cò và con Rùa

Hai con Cò và con Rùa là câu chuyện ngụ ngôn, nhắc nhở các bạn nhỏ không nên có tính kiêu căng, ngoa ngoắt, kẻo đôi khi sẽ làm hại đến chính bản thân mình.

Ngày xưa, có một người đàn bà đanh đá, kiêu căng. Hễ cứ gặp việc gì không vừa lòng là bà ta nhiếc móc, chửi bới loạn cả lên. Vì thế hàng xóm láng giềng xa lánh, chẳng ai muốn tiếp xúc với bà ta cả.

Khi chết, bị đày xuống địa ngục, Diêm Vương cho bà ta thử thách một thời gian rất dài, hòng sửa đổi tính cách điêu ngoa của mụ. Hết thời gian thử thách, mụ được đầu thai thành một con Rùa nhỏ. Diêm Vương cũng có chủ ý, cố tình sắp đặt cho con Rùa ấy sống một mình ở ao sen. Thế là dù có muốn gây sự, chửi bới, Rùa ta cũng đành bó tay. Hy vọng sẽ dần dần sửa đổi được tính chua ngoa, đanh đá ấy.

Một năm kia, trời làm hạn hán to lắm. Nước trong ao sen cứ cạn dần đi, cho đến khi chỉ Còn lại vài vũng bùn sắp cạn. Nếu trời cứ tiếp tục làm đại hạn thế này thì đến lúc sẽ chẳng Còn kiếm đâu ra thức ăn. Rùa ta lo lắm.

Một hôm, có hai con Cò ở đâu bay tới ao sen của Rùa kiếm ăn. Chúng đang lội bì bõm để tìm tôm tép thì gặp Rùa. Đang lo hết thức ăn, lại gặp kẻ đến ăn trộm, Rùa tức lắm, đứng ở cửa hang chửi ầm lên:

– Đứa nào đấy! Tại sao dám vào kiếm ăn ở chỗ của bà thế hả? Có xéo ngay đi không, bà ra vặt lông bây giờ.

Lâu rồi mới có người để chửi, Rùa ta lấy làm sảng khoái lắm. Tưởng chừng có thể chửi một thôi dài không cần lấy hơi ấy chứ.

Hai chú Cò thấy Rùa chửi bới trong hang, lòng không vui, nhưng vì không muốn gây sự lôi thôi nên dịu giọng bảo:

– Tưởng ai, hoá ra chị Rùa. Chị đừng lo, chúng tôi không đến tranh ăn của chị đâu. Chúng tôi chỉ muốn kết bạn với chị để cùng nhau qua giai đoạn khó khăn này thôi.

Rùa xẵng giọng:

– Thôi thôi, khỏi bạn bè. Tôi đây vẫn sống một thân một mình suốt từ nhỏ đến lớn mà cũng có sao đâu.

– Thôi được, nếu chị không muốn làm bạn với chúng tôi thì cũng được. Nhưng tôi xin báo cho chị biết là ao này có thể khô cạn không có gì để mà ăn đâu.

Rùa tỏ ra lo lắng, song vẫn không có dấu hiệu làm hòa với Cò. Hai con Cò nhũn nhặn:

– Chúng tôi bay từ xa đến đây, đã qua bao nhiêu vùng đất, thiếu gì những nơi đầy ắp nước và vô khối thức ăn. Hà tất gì phải lặn lội ở nơi khô hạn này. Chẳng qua, ngang qua đây, thấy chị chúng tôi bay xuống báo tin cho chị biết. Trời Còn khô hạn lâu lắm đấy. Chị liệu mà lo đi.

Nghe đến đây thì Rùa ra lo lắng thực sự:

– Thế theo hai anh, tôi phải làm thế nào để qua giai đoạn khó khăn này.

Hai con Cò bèn nói:

– Nếu chị muốn, chúng tôi sẽ dẫn chị đến một nơi nước trong xanh, cây cối um tùm, thức ăn đầy đủ, không bao giờ lo hết. Nơi đấy cũng gần đây thôi.

– Nhưng tôi chậm chạp thế này, lại không biết bay như các anh. Biết đến bao giờ mới đến được nơi đấy.

– Việc đấy có gì khó. Chúng tôi mỗi người sẽ cắn vào một đầu gậy. Chị chỉ cần cắn chặt vào giữa. Như thế chúng tôi có thể đưa chị đến nơi chị muốn. Nhưng phải nhớ là dọc đường không được không được phép mở miệng ra. Nếu không chị sẽ bị rơi xuống đất, chết oan uổng.

Nghe bùi tai, Rùa ta đồng ý và làm theo. Quả nhiên, Rùa bay được lên trời cao. Vốn chậm chạp, nay được bay lượn, Rùa ta thích chí lắm.

Lúc bay qua một cánh đồng, những người làm đồng nhìn thấy cảnh tượng lạ mắt, vội bảo nhau:

– Xem kìa, hai con Cò kia đang tha một cục phân trâu.

Rùa ta giận tím cả mặt, nhưng nhớ lời Cò dặn, Rùa phải làm thinh, không hé răng câu gì.

Một lát sau, Cò bay ngang qua chợ. Những người đi chợ thấy cảnh tượng lạ lùng thì reo ầm lên:

– Trông kìa, lạ chưa, hai con Cò đang tha một con chó chết.

Lần này, máu nóng bốc lên mặt, Rùa không thể bình tĩnh được nữa. Phải chửi cho bọn ngu ngốc kia một câu thật đau mới được. Nhưng ai ngờ, vừa hé miệng ra, Rùa ta rơi bịch xuống đất. Người đi chợ bắt về làm thịt.

Hai con Cò thấy Rùa rơi xuống, bảo với nhau:

– Tội nghiệp chị ta. Chỉ vì không nghe lời nên mới ra nông nỗi ấy. Đúng là cái miệng làm hại cái thân, ngoa ngoắt lắm vào. Thôi bây giờ chúng ta có thể quay lại ao sen kiếm ăn mà không sợ bị ai chửi bới nữa rồi.

Câu chuyện Hai con Cò và con Rùa
– TheGioiCoTich.Vn –