Sự tích Cột đá thề ở Đền Hùng [Truyện truyền thuyết Việt Nam]

Truyện sự tích Cột đá thề ở Đền Hùng

Sự tích Cột đá thề ở Đền Hùng là truyện truyền thuyết Việt Nam kể về các vua Hùng và giải thích nguồn gốc của Cột đá thề trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh ngày nay.

1. Truyền thuyết vua Hùng thứ 18

Vua Hùng thứ 18 hiệu là Duệ Vương, sinh được 20 quan lang [1] và 65 mị nương [2]. Các quan lang và mị nương phần lớn đều không thọ. Một vị quan lang được nối ngôi vua tới 6 năm, lấy hiệu là Kính Vương, rồi sau cũng băng hà. Cuối cùng chỉ còn hai công chúa Tiên Dung [3] và Ngọc Hoa [4]. Tiên Dung du chơi trên sông Cái, rồi thuận lấy chàng trai nghèo Chử Đồng Tử. Còn Ngọc Hoa công chúa, vua cho dựng lầu ở gò Tiên Cát, kén rể để nhường ngôi.

Thục Chế cháu họ xa nhà vua, làm bộ chúa Tây Vu, ngỏ lời cầu hôn trước nhất. Nhưng các Lạc hầu can vua không nên gả. Nguyễn Tuấn [5] động chủ Ba Vì được chấp thuận, đem kiệu đến đón Ngọc Hoa về núi Tản Viên.

Truyền thuyết Cột đá thề
Truyền thuyết Cột đá thề

Thục Chế tức giận, lúc sắp mất, dặn con là Thục Phán [6] đánh Văn Lang báo thù cho cha. Phán gây dựng lực lượng và giao hiếu với các bộ lạc miền núi, hợp lại với nhau cùng tiến công vào nước Văn Lang. Quân của vua Hùng do Nguyễn Tuấn chỉ huy đánh lui tất cả các đạo quân Thục, buộc phải giảng hòa.

Giữa thế kỉ thứ III trước Công lịch, quân nhà Tần đã chiếm được gần hết 6 nước láng giềng xung quanh, thừa thế tiến xuống đánh các bộ lạc người Việt tộc cùng giống với dân ta (Bách Việt) cư trú ở Quảng Đông, Quảng Tây. Mối họa nhà Tần đang dần hình thành.

2. Truyền thuyết Cột đá thề

Phán lấy làm lo ngại, đem cống cho vua Tần một tướng tài, tên gọi là Lý Thân để cầu hòa hiếu. Lại sợ dân Văn Lang còn oán mình gây ra cuộc chiến tranh dạo trước, mới dâng thư tạ tội với vua Hùng. Nhân bức thư ấy, Nguyễn Tuấn khuyên vua Hùng gọi gọi Phán đến nhường ngôi, nói: “Làm như thế thì bệ hạ là thánh nhân vậy”.

Thục Phán được nhường ngôi [7] , cảm kích lập đá thề trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh, thề rằng: “Sẽ ra sức giữ gìn cơ nghiệp của tổ tông và đời đời thờ phụng nhà Hùng”. Việc ấy xảy ra năm 258 TCN.

Phán sai đẽo đá làm thành Cột đá thề, thờ 18 đời vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh. Lại sai làm miếu thờ mẹ Nguyễn Tuấn ở động Lăng Xương.

Sự tích Cột đá thề ở Đền Hùng – Truyền thuyết về vua Hùng
– TheGioiCoTich.Vn –

Đền Hùng - Phú Thọ
Đền Hùng – Phú Thọ

Chú thích trong câu chuyện

[1] Quan lang: dùng để chỉ con trai vua Hùng (hoàng tử) dưới thời Văn Lang.

[2] Mị nương: dùng để chỉ con gái vua Hùng (công chúa) dưới thời Văn Lang.

[3] Tiên Dung: xem thêm truyện Chử Đồng Tử và Tiên Dung

[4] Ngọc Hoa: xem thêm truyện Sơn Tinh – Thủy Tinh

[5] Nguyễn Tuấn: theo truyền thuyết, thì thần núi Tản Viên Sơn Tinh có khá nhiều tên gọi khác nhau: Hương Lang, Kì Mạng hay Nguyễn Tuấn. Thật ra Sơn Tinh chỉ là một nhân vật thần thoại, không nhất thiết có tên họ và sự tích chính xác.

[6] Thục Phán: tức vua An Dương Vương. Xem thêm truyện Mị Châu – Trọng Thủy

[7] Thục Phán được nhường ngôi: Đây chỉ là lời kể của truyền thuyết. Còn thực tế trong lịch sử, Thục Phán đem quân đánh đánh chiếm Văn Lang, lập ra nhà nước Âu Lạc, lấy hiệu là An Dương Vương.

Cột đá thề ở Đền Hùng
Cột đá thề ở Đền Hùng

Cột đá thề ở Đền Hùng trong truyện truyền thuyết

Cột đá thề nằm trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, bên phải của điện Kính Thiên, đền Thượng.

Qua bao thăng trầm của thời gian, những dấu tích cột đá thờ nguyên bản đã thất lạc. Những năm 60 của thế kỷ trước, ngành Văn hóa có ý định dựng lại cột đá thề như một biểu tượng đoàn kết dân tộc và ngưỡng vọng tổ tiên.

Đến năm 1968, cột đá thề được tôn tạo lên bệ để người dân thập phương về chiêm bái.

Đến năm 2010, Dự án tôn tạo lại Cột đá thề được thực hiện, các chuyên gia đã tìm kiếm được cột đá bằng mã não nguyên khối, có khả năng trường tồn với thời gian, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc đền thờ trên đỉnh Nghĩa Lĩnh để thay thế cột đá thề trước đó.

Năm 2011, cả khối đá lẫn bệ đá mã não nguyên khối được đưa lên đền Thượng an toàn, được dựng trên chính tâm của cột cũ. Toàn bộ các hạng mục tháo dỡ cột cũ chuyển lưu trưng bày tại Bảo tàng Hùng Vương.