Sự tích hoa Cẩm Chướng [Truyện cổ Grimm]

Câu chuyện Sự tích hoa Cẩm Chướng

Sự tích hoa Cẩm Chướng được trích trong tập truyện cổ Grimm, kể về chàng một chàng hoàng tử có phép lạ bị bắt cóc lúc bé và bông hoa Cẩm Chướng xinh đẹp.

Lưu ý: Đây là một câu chuyện cổ tích nổi tiếng của anh em nhà Grimm, tuy nhiên, có một số tình tiết chưa thật sự phù hợp với với các bạn nhỏ ở lứa tuổi mầm non. Phụ huynh nên cân nhắc trước khi đọc cho các con.

1. Hoàng tử có phép lạ

Đã nhiều năm trôi qua mà hoàng hậu vẫn chưa có con, vì thế sáng nào hoàng hậu cũng ra vườn thượng uyển quay về phía mặt trời cầu xin thượng đế rộng lòng thương cho một mụn con, dù đó là con trai hay con gái.

Một ngày ki,a có thiên thần từ trên trời xuống và bảo:

– Hoàng hậu cứ yên tâm, hoàng hậu sẽ sanh con trai. Hoàng tử là người có phép lạ, những gì hoàng tử mong muốn là sẽ trở thành sự thực.

Hoàng hậu nói lại tin mừng này với nhà vua. Một thời gian sau hoàng hậu sinh con trai thật, và nhà vua hết sức vui mừng.

Khi hoàng tử đã biết đi, sáng nào hoàng hậu cũng dẫn con trai đi dạo chơi trong vườn bách thú, rửa tay chân ở những giếng nước trong veo. Có lần hoàng tử nằm trong lòng mẹ ngủ, hoàng hậu cũng ngủ say mà không hề hay biết. Giữa lúc đó thì người đầu bếp già đi tới, ông biết rằng đứa trẻ có phép lạ, nên bế đứa bé đem giấu kín ở một nơi bí mật, giao cho một vú nuôi cho bú. Ông đem cắt tiết một con gà mái, lấy máu nhỏ vào tạp dề và áo quần của hoàng hậu, rồi chạy đi tâu thưa với nhà vua rằng hoàng hậu đã để thú dữ vồ bắt mất hoàng tử.

Khi chính mắt mình nhìn thấy máu ở tạp dề và áo quần của hoàng hậu thì nhà vua tin lời nói của người đầu bếp là đúng. Nhà vua nổi giận, sai người xây một tòa tháp thật sâu, sâu đến nỗi ánh sáng mặt trời cũng như mặt trăng không bao giờ có thể chiếu tới. Lối ra vào tháp được xây kín lại sau khi đã nhốt hoàng hậu ở trong đó, hoàng hậu sẽ bị nhốt bảy năm liền và không ai được phép mang đồ ăn thức uống cho hoàng hậu, để bà bị chết dần chết mòn ở trong tháp.

Tưởng chừng cuộc đời hoàng hậu kết thúc như vậy, nhưng thượng đế thương xót cho bà nên cho hai thiên thần mang hình hài của hai con chim bồ câu trắng hàng ngày hai lần bay vào trong tháp mang theo đồ ăn thức uống cho hoàng hậu.

Người đầu bếp vẫn làm trong cung vua, có lần bác nghĩ, đứa trẻ có phép lạ, nếu mình cứ ở đây mãi rất có thể mình sẽ gặp nguy hiểm vì nó. Nghĩ vậy nên ông trốn khỏi cung vua, tới chỗ đứa bé. Đứa bé giờ đã lớn, tự biết rằng mình có phép lạ, thấy người đầu bếp, cậu nói:

– Ước gì con được sống trong cung điện nguy nga và có vườn thượng uyển.

Lời nói cậu bé vừa dứt thì toàn cảnh cung điện và vườn hiện ra đúng như điều cậu ước. Sống như vậy được một thời gian, một hôm người đầu bếp nói với hoàng tử:

– Sống một mình mãi con sẽ thấy buồn. Sao con không ước có một người vợ hiền sống chung.

Hoàng tử nghe theo và ước có một người vợ. Lời mong ước của hoàng tử đã thành sự thực, đứng trước hoàng tử là một thiếu nữ đẹp tuyệt vời, đẹp hơn cả người trong tranh. Hai người rất thương yêu nhau, thường cùng nhau đi dạo chơi trong vườn thượng uyển, còn đầu bếp thì hay đi săn, và ra dáng như một nhà quý tộc.

Có lần ông chợt nghĩ, rất có thể hoàng tử lại ước được sống cạnh vua cha, và lúc đó ông không biết sẽ tính sao cho thoát chết. Ông gọi thiếu nữ cùng đi dạo trong vườn và nói:

– Đêm nay, khi hoàng tử ngủ say, hãy tới bên giường lấy dao nhọn đâm vào tim, rồi mang tim và lưỡi của nó cho ta, nếu không làm đúng như lời ta dặn thì mất mạng đấy.

Nói rồi người đầu bếp bỏ đi. Ngày hôm sau ông đến chỗ thiếu nữ và hỏi. Thiếu nữ đáp:

– Tại sao con lại đi hại một người vô tội, một người chẳng hại ai bao giờ.

Người đầu bếp lại nói:

– Nếu con không làm việc đó thì con phải thế mạng mình vào đó.

Khi người đầu bếp đi khỏi, nàng sai người bắt một con hươu đem làm thịt, lấy tim và lưỡi để lên một cái đĩa. Nhìn qua cửa sổ nàng thấy người đầu bếp đang đi tới, nàng bảo hoàng tử:

– Chàng hãy lên giường trùm chăn.

Người đầu bếp độc ác vừa mới bước vào đã hỏi ngay:

– Tim và lưỡi của hoàng tử đâu?

Thiếu nữ đưa cho bác cái đĩa, còn hoàng tử thì tung chăn ra và quát:

– Này ông già tội lỗi kia, cớ sao ông lại muốn giết tôi? Giờ tôi nói cho ông nghe, ông sẽ biến thành con chó mực, cổ đeo xích vàng, chỉ ăn than hồng nên bao giờ cũng có ngọn lửa đỏ thổi ra từ miệng.

Lời nói vừa chấm dứt thì người đầu bếp già biến thành một con chó mực cổ đeo xích vàng. Những người làm việc ở nhà bếp phải mang than đỏ hồng đến cho chó mực ăn, ăn xong từ mõm chó luôn luôn có ngọn lửa đỏ thổi ra.

2. Trở về và câu chuyện sự tích hoa Cẩm Chướng

Ngồi một lát bỗng hoàng tử thấy nhớ mẹ, chàng nghĩ không biết mẹ mình còn sống hay đã chết. Chàng nói với thiếu nữ:

– Ta muốn trở về quê hương xứ sở, nếu nàng muốn về cùng, chúng ta sẽ cùng sống bên nhau.

Thiếu nữ đáp:

– Đường sá xa xôi, lạ nước lạ cái chẳng ai biết mình, chúng ta liệu biết làm gì mà sống.

Lòng nàng chẳng muốn đi theo, nhưng cả hai lại không muốn phải biệt ly. Vậy là hoàng tử hóa nàng thành một bông hoa Cẩm Chướng tươi đẹp và chàng luôn luôn mang theo bên mình.

Hoàng tử lên đường trở về quê hương xứ sở, con chó mực lẽo đẽo chạy theo sau. Chàng đi tới bên tháp nơi mẹ chàng bị nhốt. Tòa tháp quá cao mà chàng lại chẳng có gì trong tay. Chàng ước ao có một chiếc thang thật dài để leo lên được tòa tháp. Một chiếc thang dài bắc tới tận ngọn tháp hiện ra, chàng leo lên, từ trên đỉnh tháp chàng nhìn xuống và gọi:

– Hoàng hậu, mẹ yêu quý của con, mẹ còn sống hay là đã chết?

Tiếng bà đáp vọng lên:

– Mẹ vừa mới ăn xong và hãy còn no.

Bà nghĩ, có lẽ các thiên thần lại đến. Hoàng tử nói:

– Con của mẹ đây, đứa con mà mọi người đinh ninh rằng đã bị thú dữ tha đi mất. Con hãy còn sống và về để tìm cách cứu mẹ.

Rồi chàng xuống thang, đi đến cung vua. Chàng nói với lính canh rằng mình là người thợ săn từ xa tới, muốn được làm thợ săn của nhà vua. Nhà vua truyền lệnh cho lính canh, nếu là thợ săn giỏi, có thể săn bắn thú cung cấp đủ cho bếp của nhà vua thì cho vào yết kiến.

Đã lâu nay, ở khu vực quanh cung vua cũng như ở những vùng giáp giới không có chim muông gì cả. Người thợ săn hứa rằng mình có thể săn bắn được đủ thứ thịt thú để nhà vua làm tiệc thết đãi tất cả thần dân.

Nói rồi, chàng cùng với toán thợ săn của mình vào rừng săn bắn. Chàng cùng với họ quây thành một vòng lớn, chỉ để ngỏ một đường thoát chạy. Vòng săn đã sẵn sàng, chàng đứng và thầm ước nguyện. Chỉ một lát sau có hai trăm con thú chạy vào vòng săn, thợ săn chỉ còn mỗi việc là giương súng bắn. Thú bắn được nhiều đến nỗi chở sáu chục xe mới hết. Đã lâu lắm rồi, trong cung vua mới lại có một bữa tiệc thịt thú rừng linh đình như vậy.

Nhà vua mừng lắm, cho triệu tất cả quần thần trong triều tới ăn tiệc, một bữa tiệc thật lớn. Khi quần thần đã tới đông đủ, nhà vua bảo người thợ săn:

– Do tài săn bắn của ngươi mà có bữa tiệc hôm nay, ngươi lại đây ngồi cạnh trẫm.

Người thợ săn nói:

– Muôn tâu hoàng thượng, thần chỉ là một tên thợ săn loại tồi.

– Người hãy lại đây ngồi cạnh trẫm.

Nhà vua nhắc đi nhắc lại tới khi người thợ săn lại ngồi cạnh mới thôi. Ngồi cạnh vua chàng thợ săn lại nhớ tới người mẹ thân yêu của mình. Chàng thầm mong sẽ có một người nào đó trong đám quần thần của nhà vua lên tiếng hỏi, không biết hoàng hậu giờ này thế nào, không biết bà còn sống hay đã chết dần chết mòn ở trong tháp. Vừa mới thầm mong thì tể tướng đã cất lời:

– Muôn tâu hoàng thượng, hoàng thượng cùng quần thần sống những giờ phút vui vẻ, không hiểu giờ này hoàng hậu sống ra sao ở trong tháp, liệu còn sống hay là đã chết mòn mỏi ở trong đó.

Nhà vua đáp:

– Hoàng hậu đã để thú dữ tha đi mất hoàng tử con ta, trẫm không muốn nhắc đến chuyện đó.

Nhà vua vừa dứt lời thì người thợ săn đứng dậy nói:

– Kính thưa vua cha, hoàng hậu hãy còn sống, và chính thần là con hoàng hậu. Không phải thú dữ tha mất con mà chính là lão già độc ác kia, tên đầu bếp. Chính hắn nhân lúc hoàng hậu thiu thiu ngủ mà bắt cóc hoàng tử đi, lấy máu gà rỏ vào tạp dề, áo quần của hoàng hậu.

Sau đó chàng dắt con chó mực đeo xích vàng lại và nói tiếp:

– Đây chính là lão già độc ác ấy.

Chàng cho mang than đỏ hồng tới, trước mặt nhà vua cùng triều đình, chó ăn than hồng, rồi từ mồm nó thở ra những ngọn lửa hồng.

Nhà vua ngạc nhiên và hỏi, liệu có thể để nó hiện nguyên hình được không. Chàng ước để cho chó hiện nguyên hình là lão đầu bếp già đeo tạp dề trắng, tay cầm dao. Nhìn thấy đúng là người đầu bếp khi xưa của mình, nhà vua nổi giận, truyền sai ném hắn vào ngục tối.

Sau đó người thợ săn nói tiếp:

– Thưa đức vua, không biết ngài có muốn thấy người con gái dịu hiền sống chung với con không? Đó cũng chính là người được lệnh phải giết con mà không chịu làm, mặc dù trái lệnh là đùa với cái chết.

Nhà vua đáp:

– Tất nhiên trẫm cũng muốn được nhìn thấy.

Hoàng tử nói:

– Kính thưa vua cha, cha sẽ nhìn thấy người ấy mang hình một bông hoa tuyệt đẹp.

Chàng lấy từ trong túi áo ra một bông hoa Cẩm Chướng đặt lên bàn tiệc. Hoa đẹp tuyệt trần, trong đời mình nhà vua chưa từng thấy bông hoa nào đẹp như thế.

Rồi chàng nói:

– Giờ vua cha sẽ nhìn thấy dung nhan người con gái ấy.

Chàng hóa phép biến bông hoa thành một thiếu nữ, người thiếu nữ đứng bên cạnh chàng, hai người đứng cạnh nhau trông thật đẹp đôi…

Nhà vua truyền hai nữ tì và hai người leo xuống hầm sâu dưới tháp đón hoàng hậu về dự tiệc. Tới bàn tiệc hoàng hậu không ăn uống gì cả và nói:

– Nhờ thượng đế rủ lòng thương mà thiếp còn tồn tại, nhưng thiếp cũng sắp được siêu thoát.

Hoàng hậu chỉ sống thêm có ba ngày rồi vĩnh biệt ra đi. Khi đưa đám hoàng hậu có hai con chim bồ câu trắng bay theo, đó chính là hai con chim vẫn mang đồ ăn thức uống cho bà khi bị giam ở trong tháp, đó cũng chính là hai thiên thần từ trên trời xuống. Còn lão đầu bếp độc ác thì bị nỗi buồn khổ vô hạn gặm nát tim hắn, chẳng mấy lúc mà hắn tắt thở.

Hoàng tử cưới thiếu nữ xinh đẹp kia, đó chính là bông hoa Cẩm Chướng mà hoàng tử vẫn mang theo túi áo mình.

Truyện sự tích hoa Cẩm Chướng
– TheGioiCoTich.Vn –

Truyện sự tích hoa Cẩm Chướng
Truyện sự tích hoa Cẩm Chướng

Loài hoa trong truyện Sự tích hoa Cẩm Chướng

Hoa Cẩm Chướng có danh pháp khoa học là Dianthus caryophyllus, là loài thực vật có hoa thuộc họ Cẩm Chướng, thường phân bố ở vùng ôn đới của Châu Âu, Phúc Kiến và Trung Quốc. Loài này có có nguồn gốc từ khu vực Địa Trung Hải và là một trong những loài hoa được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới.

Hoa cẩm chướng là một loại cây thân thảo lâu năm, lá có màu xanh xám nhạt đến xanh lam, thon và dài. Hoa mọc đơn lẻ hoặc chung với nhau trong một cụm, có mùi thơm ngọt ngào. Màu hoa tự nhiên ban đầu là màu tím hồng sáng, nhưng các giống màu khác, bao gồm đỏ, trắng, vàng, xanh dương và xanh lá cây, cùng với một số màu trắng với các biến thể sọc màu ngày nay đã được lai tạo và phát triển.

Ý nghĩa hoa Cẩm Chướng

Ý nghĩa hoa Cẩm Chướng từ lâu đã được sử dụng như một biểu tượng trong Ngày của Mẹ, vì vậy trở thành loại hoa dành riêng cho các bà mẹ ngày này. Đây là một trong những loài hoa rất đẹp được nhiều người yêu thích và đã xuất hiện từ lâu đời. Có rất ít người dùng hoa Cẩm Chướng để dành tặng người yêu.

Cẩm chướng quốc hoa của đất nước Slovenia. Ngoài ra cẩm chướng đỏ là quốc hoa của Tây Ban Nha và Monaco.

Trong câu chuyện Sự tích hoa Cẩm Chướng kể trên, loài hoa này mang ý nghĩa tượng trưng cho sự chân thành, quyến rũ và tình yêu sâu đậm, thiết tha.