Sự tích núi Mẫu Tử [Truyền thuyết Việt Nam]

Truyện truyền thuyết Sự tích núi Mẫu Tử

Sự tích núi Mẫu Tử là câu chuyện truyền thuyết Việt Nam, giải thích về nguồn gốc của núi Mẫu Tử ở Đắk Lắk với nhiều dấu tích liên quan khác được kể lại.

Hai người bạn gặp lại

Ngày xửa ngày xưa, trên một vùng núi cao chót vót có một tỉnh thuộc Đàng Trong (Đàng Trong là tên gọi vùng lãnh thổ nước ta thời xưa do chúa Nguyễn kiểm soát, xác định từ sông Gianh – Quảng Bình trở vào Nam), có hai vợ chồng nhà nọ đến sinh cơ lập nghiệp. Họ cũng trồng lúa, trồng khoai, nuôi trâu, nuôi lợn và cũng vào rừng săn thú, hái rau như mọi người trong làng. Nhưng nhờ của cải do cha mẹ để lại, họ sống có vẻ phong lưu. Vì thế, tuy có vất vả một chút, hai vợ chồng vẫn có thời gian để vui thú, chơi đùa với đứa con trai mới tròn bảy tuổi.

Một hôm, bất ngờ có một người bạn cũ đến thăm. Hai người đàn ông lâu ngày không gặp nau nay gặp lại, tay bắt mặt mừng. Người bạn nói:

– Nghe nói anh chị rời quê lên đây đã lâu, nay có việc đi qua, tôi mới ghé thăm được. Sẵn có cặp gà mang tới biếu anh chị.

Chủ cũng vồn vã:

– Thế bấy lâu nay anh ở đâu mà sao không hề có tin tức gì? Chẳng hay anh làm nghề gì?

– Tôi chẳng có nghề ngỗng gì cả. Chẳng giấu gì anh, từ lâu tôi đi tu chỉ mong đắc đạo. Trong ba năm liền ngồi tù cẳng một nơi, bây giờ có việc phải lên núi.

– Thế anh lên núi để làm gì?

– Để tìm trầm. Phải có trầm đốt lên khi muốn đạt một lời cầu nguyện. Trầm sẽ đưa lời cầu của mình lên cung Tam Thanh. Nhờ đó “chư tiên” mới thấu được ước muốn của mình, các Ngài sẽ cho mình được như ý nguyện.

Chủ nhà lại hỏi:

– Nhưng núi rừng trùng điệp, cây cối bạt ngàn thì biết làm sao mà tìm cho ra trầm?

Khách đáp:

– Khó gì. Muốn tìm trầm chỉ cần ngậm ngải thôi.

Nói rồi, khách móc trong tay nải ra một gói nhỏ bọc vải điều, giở gói ấy ra, lấy ngải cho bạn xem, và nói:

– Đây là ngải tôi đã luyện, trải bao nhiêu năm nay mới thành. Chỉ cần ngậm mót tí ngải này, có thể đi suốt năm trong rừng mà không sợ hùm beo, rắn rết làm hại, không cần phải ăn uống gì cả, lại có hy vọng được “chư tiên” phù hộ, giúp cho tìm thấy trầm. Lúc đó thì có thề cầu được ước thấy, kể cả cầu trường sinh bất lão.

Chủ nhân thấy bạn tu luyện sắp thành công, có thể cầm chắc sự phú quý trong tay, thì hoa cả mắt. Hắn cầm lấy ngải nâng lên đặt xuống mấy lần, bụng bảo dạ:

– Chà, chỉ một tí thuốc này mà có thể cầu được ước thấy, trường sinh bất lão, sung sướng biết bao nhiêu.

Rồi vui miệng, chủ nhà cũng kể lại cuộc sống của mình bấy lâu nay cho bạn nghe và giục vợ làm cơm đãi khách. Trong mấy ngày mời khách ở lại chơi, biết khách thích chơi cờ, chủ nhân lấy ra một bộ cờ bằng ngà, mời khách cùng đánh. Hắn chọn một con cờ đưa cho bạn, nói:

– Bộ cờ này của tiền nhân tôi để lại, được làm bằng ngà rất quý. Nhưng chúng không quý bằng con tốt này. Nó bằng ngọc bích, không có lấy một vết tì, lúc nào cũng sáng óng ánh, kể cả khi để trong bóng tối.

Khách cầm lấy quân cờ bằng ngọc, xem đi xem lại. Thấy đúng là vật quý hiếm trên thế gian, thì tắc lưỡi khen thầm:

– Ước gì ta cũng có được một viên như thế để dâng lên lão tổ.

Tuy hai bên suy nghĩ nước cờ, nhưng trong bụng người nào cũng chỉ tìm mưu lập kế để chiếm đoạt của nhau. Một bên muốn chiếm được gói ngải quý giá, còn một bên lại muốn có được viên ngọc đẹp đẽ.

Bài học cho những kẻ tham lam và sự tích núi Mẫu Tử

Ngày chia tay rồi cũng đến. Giữa lúc hai người bạn đang “vượt xe thách pháo” thì bỗng nghe tiếng vợ gọi, chủ vội đi vào nhà trong. Sau đó, tiệc rượu được bưng ra. Trong khi chủ vào, khách đã giấu biến quân cờ bằng ngọc vào trong người. Nhưng khách không ngờ chính mình cũng bị tước đoạt lấy gói ngải. Sau khi chén chú chén anh, khách bị chuốc rượu đến sau mèm. Lúc ấy, chủ nhà tranh thủ lục tay nải, lấy trộm gói ngải, rồi vội vàng ra đi không kịp từ giã vợ con.

Khách ngủ một giấc dài đến sáng mới tỉnh dậy. Hắn ta giật mình khi sờ vào tay nải đã không còn thấy gói ngải quý đâu nữa. Tìm bạn, bạn cũng mất tích, hỏi vợ con bạn, cũng không ai biết đâu mà trả lời. Khách bèn lủi thủi ra đi, quyết tìm cho thấy bạn để lấy lại vật quý.

Từ núi này sang núi nọ, khách cắm cúi đi không nghỉ, nhưng tuyệt nhiên vẫn không thấy bóng dáng bạn đâu. Một hôm, hắn trèo lên một đỉnh núi cao để phóng mắt nhìn ra xa, nhưng chẳng may trượt chân lăn xuống dốc. Viên ngọc văng ra xa hóa thành đá, còn hắn hóa thành cây. Rễ cây luôn quặp chặt lấy viên đá như muốn bảo vệ của quý.

Còn về phía chủ nhà, khi bước chân ra đi, nghe theo lời mách bảo của bạn, hắn cũng bỏ ngải vào miệng ngậm để mong tìm được trầm. Nhưng hắn cứ đi mãi, đi mãi, vượt qua trăm núi ngàn khe mà chẳng thấy trầm đâu. Khi cảm thấy thất vọng, muốn quay trở về nhà thì chẳng còn biết lối về. Năm này qua tháng khác, gói ngải dần dần chỉ còn bằng hạt đậu xanh. Hắn đâu có ngờ rằng nếu ngải tan hết thì hắn sẽ hóa thành hổ. Lúc này, người hắn đã mọc lông tua tủa, rồi qua mấy ngày sau, hắn biến thành một con hổ xám.

Lại nói chuyện vợ con của hắn ở nhà trông đợi mỏi mòn. Nước mắt hai mẹ con mỗi ngày chảy một ít đã xói đất thành suối. Thế rồi ngày lụi tháng tàn, hai mẹ con biến thành đá, cùng với đàn gia súc và các đồ dùng quen thuộc.

Truyện truyền thuyết Sự tích núi Mẫu Tử
Truyện truyền thuyết Sự tích núi Mẫu Tử

Cuối cùng, hổ xám cũng tìm được đường về đến nhà cũ. Từ đằng xa, nhìn thấy bóng dáng vợ con, hổ lấy làm mững rỡ, vội vàng phóng đến. Nhưng đến nơi, thấy vợ con đã hóa thành đá, hổ ta lồng lộn, gầm lên những tiếng đau xót, rồi bỏ đi biệt tăm.

Ngày nay ở huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk (thuộc quận Khánh Dương, Khánh Hòa cũ), có một ngọn núi gọi là núi Mẫu Tử. Nổi bật trên núi là một hòn đá to đứng bên cạnh một hòn đá nhỏ hơn. Dân trong vùng kể đó là vợ con của kẻ đã ăn trộm gói ngải xưa kia. Xung quanh đá còn nhiều hòn khác nằm rải rác, người ta bảo đó là chó, mèo, gà, vịt, cuối xay, cối giã… biến thành. Lại còn một tảng đá nữa vuông vắn, người ta nói đó là bàn cờ, bàn cờ đó có nhiều quân, nhưng thiếu mất một con tốt. Gần đấy có một dòng suối gọi là suối Tiên, nước không bao giờ cạn, người ta nói đó là do nước mắt của hai mẹ con khơi thành.

Bên bờ suối, thỉnh thoảng có bóng đôi gà đi lại uống nước, họ bảo đó là đôi gà mà khách mang đến biếu. Sở dĩ chúng không hóa đá vì chúng chưa là những con gia cầm quen thuộc của chủ.

Còn trên núi Tịnh Sơn ở Phú Yên, có một hòn đá tròn gọi là đá Con cờ. Mọi người cho rằng đó chính là con tốt bằng ngọc mà người khách đã trộm của bạn bị văng ra. Bên cạnh đấy là một cây cổ thụ to lớn, rễ mọc chi chít, nhưng rễ cây bao giờ cũng quặp chặt lấy đá, người ta nói đó là người bạn biến thành.

Truyện truyện thuyết Sự tích núi Mẫu Tử
– TheGioiCoTich.Vn –

Đôi nét về núi Mẫu Tử trong truyện truyền thuyết

Núi Mẫu Tử hay còn gọi là Mẹ Bồng Con, cao 2.051 m, tọa lạc tại 12° 41′ 40” Bắc vĩ tuyến và 106° 36′ 03” kinh tuyến Ðông, cách bờ biển khoảng 30 km, thuộc huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk, nổi bật lên trên hàng trăm ngọn núi bao quanh.

Núi tuy cao, nhưng sườn không dốc. Ðỉnh núi có phần bằng phẳng và không cây cao. Một tảng đá xanh lớn đến bảy tám ôm và cao có trên 15, 17 thước, đứng sừng sững giữa trời, quanh năm thường có mây quấn quít. Một tảng đá thứ hai, cao, lớn bằng nửa, đứng sát bên cạnh. Xa trông hình dạng phảng phất một người đàn bà đứng với một đứa con. Nguồn gốc về sự ra đời của ngọn núi này được kể lại qua truyện truyền thuyết Sự tích núi Mẫu Tử bên trên.

Khách hàn mặc gọi là Mẫu Tử Sơn và người Pháp gọi là La Mère et l’enfant. Trong tiếng Hán Việt và tiếng Pháp không có chữ “Bồng”. Trên thực tế “Mẹ” cũng không “bồng” mà chỉ “dắt”. Có lẽ để cho tình mẫu tử thêm nồng nàn khăng khít, cổ nhân đã thêm chữ “Bồng” vào.

Núi Mẫu Tử cũng được coi là hòn Vọng Phu – chỉ những hòn đá, có hình giống người thiếu phụ chờ chồng. Nước ta có rất nhiều hòn vọng phu, nổi tiếng trong số ấy là hòn Vọng Phu ở Tam Thanh, Lạng Sơn, kể về câu chuyện nàng Tô Thị đứng bồng con đợi chồng.