Sự tích tháp Báo Ân [Truyện truyền thuyết Việt Nam]

Câu chuyện Sự tích tháp Báo Ân

Sự tích tháp Báo Ân là câu chuyện truyền thuyết Việt Nam, xảy ra vào cuối thời Lê, được Vũ Trinh – một vị quan dưới cả hai thời Lê mạt – Nguyễn sơ ghi lại trong tập Lan trì kiến văn lục của ông.

Câu chuyện kể về một cô gái xinh đẹp chẳng may bị mắc phải căn bệnh quái ác, đem lòng yêu một thí sinh lên kinh dự thi. Sau khi nàng mất, đã hiện về báo mộng, xin quan chủ khảo rộng bút để cho chàng trai đỗ đạt. Cảm kích tấm chân tình ấy, mặc dù nàng đã chết, nhưng chàng trai vẫn xin được làm rể của gia đình. Sau đó chàng xây một cái tháp bên cạnh mộ nàng, dân chúng trong vùng vẫn quen gọi đó là tháp Báo Ân.

Truyện Sự tích tháp Báo Ân
Truyện Sự tích tháp Báo Ân

1. Căn bệnh quái ác

Tương truyền ngày trước vào cuối thời Lê, ở xã Bình Quân, thuộc huyện Cẩm Giàng, Hải Dương ngày nay, có một đôi vợ chồng phú ông sinh được một cô con gái. Cô gái vừa đẹp người, vừa đẹp nết, ai ai cũng yêu quý. Vì nhà có thuê thầy dạy học cho con trai, lại thấy con gái nhanh nhẹn, sáng dạ, phú ông cũng cho con gái theo đòi nghiên bút. Cô gái quả thật rất thông minh, học hành tấn tới, chẳng bao lâu đã thông kinh sách.

Tiếng lành đồn xa. Sắc đẹp, tài học của cô con gái nhà phú ông đã lan khắp các vùng lân cận. Đã có rất nhiều công tử con nhà giàu có quyền quý tới dạm hỏi, nhưng phú ông chưa đồng ý ai. Ông luôn tự nhủ sẽ không gả con gái cho những kẻ phàm phu, tục tử, kẻo uổng phí xuân xanh một đời.

Thế là mặc dù đã có rất nhiều đám dạm hỏi nhưng cô gái vẫn chưa hề nghĩ gì tới chuyện trăm năm của mình mà chỉ suốt ngày chú tâm học hành, thơ phú cô làm ra khó có ai theo kịp. Nhưng trớ trêu thay, cô gái xinh đẹp tuyệt trần ấy lại mang trong mình một chứng bệnh mà thấy thuốc nào cũng phải lắc đầu bó tay: đó là bệnh hủi. Ngày mới bị bệnh, cô còn giấu kín không cho ai biết. Nhưng sau, những chỗ sưng thối lở loét bắt đầu hành hạ khiến cô không thể che mắt thiên hạ được nữa.

Thấy bệnh tật của con gái bị bà con hàng xóm xì xào, hơn nữa đây cũng là một căn bệnh rất dễ lây nên mặc dù rất đau xót, vợ chồng phú ông đành phải làm một ngôi nhà cách xa ngôi làng để cô sống cách biệt. Sợi dây liên lạc duy nhất của cô với thế giới bên ngoài, với cha mẹ cô là cô hầu gái thỉnh thoảng mang gạo nuôi, tiền nong đến cho cô chi dùng hàng ngày. Cứ như thế, cô gái xấu số nọ chịu nhận một cuộc sống cô đơn buồn rầu đã hơn một năm.

2. Chàng học trò và cô gái bạc mệnh trong truyện Sự tích tháp Báo Ân

Năm ấy, đến khoa thi, chỗ cô ở vốn tách biệt với xóm làng nên những ngày ấy cũng không tấp nập gì hơn. Một hôm, trời bỗng đổ cơn mưa. Mưa rất to và kéo dài mãi đến tận khuya. Khi ngoài trời đang mưa tầm tã như vậy, cô đột nhiên nghe có tiếng gọi cổng của một người con trai. Thấy người lạ, cô gái nói vọng ra:

– Ai đó? Hãy đi tìm chỗ khác mà trọ, ở đây nhà cửa chật chội lắm, không ở được đâu.

– Tôi là học trò họ Trần đang trên đường đi thi thì gặp trời mưa. Xin cô làm ơn cho tôi vào hơ nóng, tôi lạnh quá, mưa ướt hết cả rồi. – Anh học trò nài nỉ.

– Tôi là phận nữ nhi, nhà lại vắng vẻ không tiện mời khách vào. Xin hãy gắng đi một đoạn nữa, sẽ có chỗ trọ.

Vẫn với giọng nài nỉ như thế, anh học trò tiếp:

– Làng xóm vẫn còn xa quá, xin cho nghỉ lại một lát, nếu thấy không tiện, tôi sẽ đi ngay.

Thấy giọng có vẻ cầu khẩn, hơn nữa khách lại xưng là con nhà lễ giáo, có học, cô gái động lòng thương, bèn ra mở cửa cho vào.

Dưới ánh đèn, cô thấy người khách là một chàng trai chừng hai mươi tuổi, dáng dấp nho nhã, ăn nói lễ phép. Cô không nỡ từ chối nên tươi cười:

– Bố mẹ tôi đều đi vắng cả, chỉ có mình tôi ở nhà. Người xưa có câu “Nam nữ thận trọng từ cái trao tay”, mời chàng trọ lại đây cũng thật bất tiện, nhưng thấy chàng đi đường xa mệt nhọc, ướt át, tôi chẳng dám khăng khăng giữ lễ. Vậy mời chàng nghỉ lại đây, có gì tôi xin giúp đỡ.

Nói rồi, cô đốt lửa cho khách sưởi, thổi cơm cho khách ăn. Anh học trò thấy cô gái mặt mũi xinh đẹp, ăn nói khéo léo, lại có vẻ con nhà tử tế, có học, rất lấy làm cảm mến. Anh bèn nói:

– Cô đã không câu nệ, hết lòng giúp đỡ một học trò như tôi, tôi chẳng dám quên ơn. Tôi cũng không ngờ cô lại theo nghiệp đèn sách. Mạn phép xin hỏi chẳng hay cô là con cái nhà ai, bố mẹ làm gì?

Cô kể cho anh học trò nghe tất cả về gia đình và bản thân, trừ căn bệnh của mình. Sau khi biết được về cô, lại thấy cô học giỏi, anh học trò bèn cùng xô xướng hoạ. Hai bên đối đáp tới khuya, chuyện trò có vẻ rất tâm đầu, ý hợp. Từ chỗ quý mến, anh học trò yêu cô lúc nào không biết. Thấy cô chỉ có một mình, anh đâm bạo dạn ngỏ lời đính ước. Cô gái cũng rất quý mến anh học trò, nhưng lại nghĩ mình bệnh tật, thương thân tủi phận, cô gái rơi nước mắt, nói:

– Thiếp phận mỏng không đáng là kẻ nâng khăn sửa túi cho chàng. Xin chàng hãy để tâm vào việc thi cử, lo cho con đường công danh trước đã. Sau này khi chàng trở về cũng chưa muộn.

Anh học trò không biết ẩn tình ra sao, lại gần cô gái khuyên dỗ. Càng dỗ dành, cô gái càng lã chã nước mắt. Cuối cùng, anh học trò không cầm được lòng mình đã nắm lấy tay cô. Cô tuy e lệ nhưng cũng không từ chối. Hai bên đính ước và coi nhau như vợ chồng.

Truyền thuyết tháp Báo Ân
Truyền thuyết tháp Báo Ân

Sáng hôm sau, anh từ giã cô ra đi. Trước khi chia tay, anh hẹn:

– Ta và nàng đã đính ước, xin nàng hãy đợi ta. Chuyến này, dù đỗ hay hỏng, ta cũng sẽ nhờ người đưa “tục lễ” đến rước nàng về làm vợ.

Sau khi anh học trò ra đi, cô gái nghĩ đến số phận hẩm hiu của mình thì vô cùng đau khổ. Cô tự nhủ: “Chàng đâu có biết ta đang bệnh hoạn khốn khổ thế này. Nhưng ta cũng đâu có thể giấu chàng mãi được. Thế nào khi chàng quay lại đây, chàng cũng sẽ biết. Lúc đó, ta đâu còn mặt mũi nào nữa. Chẳng thà chết quách đi còn hơn”.

Suốt cả ngày hôm sau, cô gái vừa tưởng nhớ chàng trai, vừa tuyệt vọng. Nhiều khi cô định phó mặc cho số phận, định rằng sẽ kể hết cho chàng về bệnh tình của mình khi chàng quay về nhưng rồi cô lại thấy mình không thể. Cứ thế, cứ thế, cô sống trong đau khổ dày vò trong mấy ngày liền. Trong một cơn phẫn chí đến cực độ, cô không làm chủ được, bỗng dưng ngất đi, hồn lìa khỏi xác lúc nào không biết.

Mấy ngày sau, vợ chồng phú ông mới hay tin. Ai ai cũng đau xót, than khóc hồi lâu rồi an táng người bạc mệnh ở ngay ngôi nhà của cô.

3. Cô gái báo mộng, cầu xin quan chủ khảo

Lại nói về chuyện anh học trò, sau khi từ giã cô gái đã đi liền mấy ngày đến trường thi. Không lúc nào hình ảnh cô gái tài hoa đêm ấy lại không hiện lên trong tâm trí anh. Vào trường thi, từ đầu đến cuối, anh làm bài rất trôi chảy. Nhưng đến cuối bài, có một câu khá hóc búa. Anh ngậm bút mãi, cuối cùng cũng viết thành bài nhưng không được như ý lắm, đôi chỗ vẫn còn sai sót.

Lúc quan chủ khảo chấm bài, đến bài của anh học trò kia, ông thấy không đạt. Sắp hạ bút xuống phê chữ “sổ” (bỏ), quan chủ khảo bỗng thấy tay mình không cử động được, dường như có ai đó giữ tay ông lại. Ông đành bỏ bút xuồng rồi đi nghỉ. Đang lúc mơ màng, ông thấy có một cô gái xinh đẹp tiến lại chỗ ông, chắp tay vái lia lịa, giọng run run cầu khẩn:

– Xin ngài làm ơn rộng bút cho. Đây là quyển thi của chồng tôi, Tôi xin ngài giúp.

Tỉnh dậy, chủ khảo rất lấy làm lạ. Ông đọc lại bài văn một lần nữa và lần này cũng không hơn gì, ông hạ bút toan đánh hỏng. Bỗng nhiên, cây bút rơi xuống đất. Ông định cúi xuống nhặt lên thì tự nhiên tay chân mệt mỏi rã rời, hai mắt díp lại. Ông lại chìm vào giấc ngủ. Bóng cô gái lại hiện ra trước mặt, một hai xin ông vớt lấy quyển văn ấy. Quan chủ khảo giật mình tỉnh dậy. Hết sức ngạc nhiên, ông lẩm bẩm:

– Chắc là nhà thí sinh này có âm hồn nào theo đây. Âm hồn đã hiện về hai lần thế này làm ta không nỡ thẳng tay.

Nghĩ vậy, cuối cùng ông cũng vớt cho đỗ.

4. Sự tích tháp Báo Ân

Trước khi vinh quy, tân khoa họ Trần cùng các bạn đến chào chủ khảo. Ông này lưu một mình tân khoa lại, hỏi:

– Anh đã có vợ chưa?

– Thưa chưa.

– Tôi hỏi hơi tò mò, thế nhà anh có ai mới qua đời không?

– Dạ thưa không.

Thấy vậy, chủ khảo bèn kể cho anh nghe chuyện một cô gái hai lần đến báo mộng khi ông chấm bài. Sau này, khi ráp phách, ông mới biết đó là bài văn của anh. Ông còn nói thêm rằng đáng lẽ anh không được đỗ, tất cả đều nhờ cô gái ấy. Anh ngồi ngẫm nghĩ hồi lâu nhưng vẫn không hiểu ra sao. Anh đành cáo từ chủ khảo ra về. Lần vinh quy ấy, tân khoa họ Trần nhắn người nhà sắm thêm một chiếc võng nữa để khi qua nhà người yêu, anh đón nàng về luôn thể.

Câu chuyện Sự tích tháp Báo Ân
Câu chuyện Sự tích tháp Báo Ân

Về đến nơi, khi vừa xô cổng bước vào, anh giật mình khi thấy một ngôi mộ còn chưa xanh cỏ nằm ngay giữa nhà. Tân khoa hãi hùng khi nghĩ rằng lần trước mình đã gặp phải ma. Sau khi trấn tĩnh lại, anh sai người đi dò hỏi. Người nhà trở về báo cho anh biết đó là mộ của con gái nhà phú ông. Cô gái ấy bị hủi phải ra chỗ này, mới mất nửa tháng trước. Nhẩm tính lại, anh thấy người yêu mới mất sau khi anh đi mấy ngày. Sực nhớ tới câu chuyện của chủ khảo, anh bỗng rơi nước mắt. Thì ra chính nàng đã theo anh tới kinh kỳ, giúp anh không bị đánh hỏng.

Sau khi vinh quy bái tổ, anh quay trở lại nhà phú ông kể hết đầu đuôi câu chuyện. Anh cũng thưa luôn:

– Một ngày cũng là nghĩa. Xin ông cho tôi được làm rể mặc dù nàng đã không còn nữa.

Phú ông rất bất ngờ. Lúc đầu ông còn từ chối không dám nhận, nhưng sau thấy quan tân khoa nài mãi, ông cũng đành đồng ý. Bấy giờ, anh mới sắm sửa một lễ tế trọng thể đưa đến nhà nàng, lấy danh nghĩa vợ chồng để tế vợ. Lại cho người xây bên cạnh ngôi mộ nàng một cái tháp, trong lòng có đề mấy chữ: “Cô… là vợ của tiến sĩ họ Trần”. Dân chúng trong vùng quen gọi đó là tháp Báo Ân. Tên ấy dù có thể chưa chính xác và cũng không thấy ghi ở các mặt trên tháp, nhưng đã được khắc sâu vào mãi trong tâm trí mọi người, từ thế hệ này đến các thế hệ khác.

Câu chuyện Sự tích tháp Báo Ân – Truyện truyền thuyết Việt Nam
– TheGioiCoTich.Vn –

Truyện truyền thuyết Sự tích tháp Báo Ân
Truyện truyền thuyết Sự tích tháp Báo Ân