Truyện dân gian Việt Nam

Khái quát về truyện dân gian Việt Nam

Truyện dân gian Việt Nam là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ truyền miệng, sản phẩm của quá trình sáng tác tập thể thể hiện nhận thức, tư tưởng, tình cảm của nhân dân lao động về tự nhiên, xã hội nhằm mục đích phục vụ trực tiếp cho các sinh hoạt khác nhau trong đời sống cộng đồng.

Hệ thống thể loại của truyện dân gian Việt Nam

TRUYỆN DÂN GIAN VIỆT NAM cũng như truyện dân gian của nhiều dân tộc khác trên thế giới có những thể loại chung và riêng, hợp thành một hệ thống. Mỗi thể loại phán ánh cuộc sống theo những nội dung và cách thức riêng. Hệ thống thể loại của truyện dân gian Việt Nam gồm có:

  1. Truyện thần thoại: Tác phẩm tự sự dân gian thường kể về các vị thần, nhằm giải thích tự nhiên, thể hiện khát vọng chinh phục tự nhiên và phản ánh quá trình sáng tạo văn hóa của con người cổ đại.
  2. Truyện truyền thuyết: Tác phẩm tự sự dân gian kể về sự kiện và nhân vật lịch sử (hoặc có liên quan đến lịch sử) phần lớn theo xu hướng lí tưởng hóa, qua đó thể hiện sự ngưỡng mộ và tôn vinh của nhân dân đối với những người có công với đất nước, dân tộc hoặc cộng đồng cư dân của một vùng. Bên cạnh đó cũng có những truyền thuyết vừa đề cao, vừa phê phán nhân vật lịch sử.
  3. Truyện cổ tích: Tác phẩm tự sự dân gian mà cốt truyện và hình tượng được hư cấu có chủ định, kể về số phận con người bình thường trong xã hội, thể hiện tinh thần nhân đạo và lạc quan của nhân dân lao động.
  4. Truyện ngụ ngôn: Tác phẩm tự sự dân gian ngắn, có kết cấu chặt chẽ, thông qua ẩn dụ (phần lớn là hình tượng loài vật) để kể về những việc liên quan đến con người, từ đó nêu lên triết lí nhân sinh hoặc những bài học kinh nghiệm về cuộc sống.
  5. Truyện thơ: Tác phẩm tự sự dân gian bằng thơ, phản ánh số phận và khát vọng của con người về hạnh phúc lứa đôi và sự công bằng xã hội.
  6. Truyện cười: Tác phẩm dân gian đặc biệt, nhằm mục đích phê phán những thói hư, tật xấu trong nhân dân, hay đả kích một cách sâu cay giai cấp thống trị.
  7. Sử thi: Tác phẩm tự sự dân gian có quy mô lớn, sử dụng ngôn ngữ có vần, nhịp, xây dựng những hình tượng nghệ thuật hoành tráng, hào hùng để kể về một hoặc nhiều biến cố lớn diễn ra trong đời sống cộng đồng của cư dân thời cổ đại.

Những giá trị cơ bản của truyện dân gian Việt Nam

  1. Truyện dân gian Việt Nam là kho tri thức vô cùng phong phú về đời sống các dân tộc
  2. Truyện dân gian Việt Nam có giá trị sâu sắc về đạo lí làm người
  3. Truyện dân gian Việt Nam có giá trị thẩm mỹ to lớn, góp phần tạo nên bản sắc riêng có nền văn học dân tộc

Tại sao nên kể truyện dân gian Việt Nam cho các bé

Truyện dân gian Việt Nam không chỉ mang tính giáo dục cao mà nó còn giúp các bé hiểu thêm về nguồn gốc, sự tích ra đời của một số hiện tượng, một số nhân vật thần kỳ tuy không có thật nhưng lại có sức sống mạnh liệt trong tâm trí của người dân Việt Nam bởi lòng anh dũng, tinh thần yêu nước, hay sự kiên cường nghị lực sống phi thường trong cuộc sống.

Với mỗi người dân Việt Nam chúng ta truyện dân gian chính là một nguồn sữa  ngọt ngào trong lành nuôi dưỡng trái tim và tâm hồn biết bao nhiêu thế hệ trẻ trong những tiếng ru ầu ơ, trong những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết… Qua những câu chuyện dân gian chúng ta thêm yêu cuộc sống này, yêu sự kỳ diệu của những ngôn ngữ, biết sẻ chia đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh ở xung quanh ta.

TheGioiCoTich.Vn đã dày công sưu tầm và chắt lọc những truyện dân gian Việt Nam hay nhất, đặc sắc nhất cho các bạn nhỏ. Chúng tôi hi vọng qua những câu chuyện này, các bé sẽ có nhiều bài học thú vị và bổ ích trong cuộc sống.