Tạo Hôm và Nàng Hai [Truyện cổ tích dân tộc Thái]

Truyện cổ tích Tạo Hôm và Nàng Hai

Tạo Hôm và Nàng Hai là truyện cổ dân tộc Thái, kể về hành trình nhiều năm gian nan vất vả đi tìm Tạo Hôm của Nàng Hai sau khi chàng cưỡi ngựa bay về trời.

Do tính chất truyền miệng nên truyện có nhiều dị bản khác nhau, cuối cùng hai người cũng gặp lại và sống hạnh phúc bên nhau.

1. Điều ước của hai chị em

Ngày xửa ngày xưa có hai chị em gái nhà nọ đều rất xinh đẹp, tính tình nết na thuỳ mị. Thường thường, tối nào hai chị em cũng ngồi ở đầu sàn cùng nhau quay xa kéo sợi cho đến tận khuya mới đi ngủ.

Vào một đêm trăng, sau khi ngửa mặt lên nhìn các vì sao trên bầu trời mọc chi chít sáng lấp lánh, người chị chỉ vào một ngôi sao to và sáng nhất và nói với em gái:

– Nếu cho chị ước lấy ngôi sao trên bầu trời làm chồng thì chị sẽ ước là được lấy ngôi sao to nhất kia làm chồng.

Còn cô em gái thì chỉ vào một ngôi sao nhỏ và nói:

– Còn em thì chỉ xin được lấy ngôi sao nhỏ đang nhấp nháy đằng kia làm chồng thôi!

Chuyện hai chị em nói với nhau ban đầu chỉ là đùa. Nhưng, có ai nào ngờ, vào một đêm khuya, ngôi sao lớn bỗng dưng sà xuống và rơi đúng vào trong lòng người chị. Đầu tiên, ngôi sao hoá thành một nắm đất to. Người chị vừa cầm nắm đất lên tay thì nắm đất đó tiếp tục hoá thành một chàng trai tuấn tú vạm vỡ. Hai người nói chuyện với nhau thâu đêm. Sau đó người chị vui mừng bèn dẫn chàng trai đến ra mắt bố mẹ và xin cho chàng được ở lại làm con rể. Bố mẹ đồng ý cho hai người kết nghĩa thành vợ thành chồng, ngày ngày vui vẻ bên nhau chăm lo công việc ruộng nương.

Câu chuyện Tạo Hôm và Nàng Hai
Câu chuyện Tạo Hôm và Nàng Hai

2. Tạo Hôm và Nàng Hai

Rồi lại vào một đêm khác, khi cô em gái đang ngồi một mình quay xa quấn búp thì ngôi sao nhỏ lấp lánh đột nhiên rụng xuống, hoá thành một quả cau nhỏ tươi roi rói rơi đúng vào lòng. Cô em gái vô cùng thích thú đem quả cau cất giấu kỹ vào trong chiếc bem đựng quần áo. Đến gần sáng, quả cau bỗng biến hoá thành một tạo trẻ đến bên trò chuyện với cô em. Tạo trẻ nói cho cô em biết tên của mình là Tạo Hôm và hỏi tên của cô. Cô em thưa lại rằng tên mình là Nàng Hai.

Hai người chuyện trò vô cùng tâm đầu ý hợp. Họ quấn quít lấy nhau chẳng muốn rời. Bắt đầu từ đây, cứ ban ngày thì ngôi sao nhỏ hoá thành quả cau được cất giấu ở trong bem, còn khi đêm tối buông xuống ngôi sao nhỏ lại hoá thành tạo trẻ, sống ân ái như vợ chồng cùng với cô em gái.

Sợ mọi người trong gia đình biết chuyện cho nên mỗi khi có việc đi đâu rời khỏi nhà thì Nàng Hai lại dặn mẹ:

– Mẹ à mẹ ơi! Con đi vắng không ở nhà, mẹ đừng có cho ai lục bem của con mẹ nhé!

Nhiều lần như vậy khiến cho bà mẹ sinh nghi, không biết ở trong bem có thứ gì mà con gái của bà lại không muốn để cho mọi người biết? Thế là một hôm, nhân lúc Nàng Hai đang làm ở ngoài ruộng chưa về bà bèn lén mở bem của cô ra và lục lọi xem ở trong có thứ gì.

Lục đi lục lại mãi bà mẹ chỉ tìm thấy có mỗi quả cau nhỏ tươi roi rói. Đúng phải dịp đang thiếu cau ăn trầu, bà mẹ liền đem quả cau ra bổ. Nào ngờ, chỉ vừa mới khẽ cứa lưỡi dao vào cau thôi thì bà mẹ đã thấy những giọt máu tươi ứa ra rớt xuống đất. Quá hốt hoảng bà vội vứt quả cau ra ngoài vườn.

Nàng Hai đi làm ruộng về mở bem ra xem thì thấy mất quả cau. Cô bèn hỏi mẹ:

– Mẹ ơi! Mẹ có biết ai lấy quả cau của con không?

Bà mẹ đáp:

– Mẹ định bổ ra để ăn trầu nhưng nhìn thấy cau đỏ như máu, sợ quá nên mẹ đã đem vứt ra ngoài vườn rồi.

Nàng Hai chạy ra chỗ mẹ vứt quả cau thì chẳng còn thấy cau đâu mà chỉ thấy ở chỗ đó tự nhiên mọc lên một cây rau dền đỏ tốt tươi. Biết là quả cau đã hoá thành cây rau dền đỏ nên ngày nào Nàng Hai cũng tưới tắm chăm sóc cho cây rau dền cẩn thận. Cô còn dặn mẹ:

– Mẹ đừng có để cho ai vặt cây rau dền của con mẹ nhé!

Nhưng rồi một hôm nhà hết sạch rau ăn. Quên mất lời Nàng Hai dặn, bà mẹ đã ra vườn vặt cây rau dền đem bỏ vào chõ xôi rồi đồ lên. Bà đun to lửa đồ mãi mà vẫn không thấy rau chín. Đúng lúc đó Nàng Hai đi làm về. Cô lấy nước đi tưới cây rau dền như mọi khi thì thấy cây rau đã bị vặt trụi. Nàng Hai hớt hải chạy lên nhà hỏi mẹ. Mẹ cô chỉ vào chõ xôi đang đặt trên bếp bảo:

– Nhà không có rau ăn nên mẹ đã hái lấy nó đem về đồ rồi!

Nàng Hai vội vàng mở vung chõ đồ ra xem. Một làn hơi từ trong chõ bốc lên. Giữa làn hơi mỏng, Nàng Hai nhìn thấy Tạo Hôm đang cưỡi trên lưng một con ngựa có cánh.

Trước khi cùng ngựa cất cánh bay lên trời, Tạo Hôm dặn lại:

– Nếu em vẫn còn thương anh thì hãy đi tìm!

Không muốn mất người mình thương yêu, Nàng Hai nhằm theo hướng ngựa cánh bay vào không trung mà đuổi theo. Trên đường đi nàng gặp một cái cây to đổ chặn ngang đường. Nàng định trèo qua thì thân cây cao lên. Nàng định chui qua thì thân cây lại hạ thấp xuống, bởi khi cưỡi ngựa bay qua đây, để thử thách xem Nàng Hai có thật sự yêu thương mình hay không Tạo Hôm đã chặt đổ cây và dặn:

– Nếu Nàng Hai đi đến đây thì “Nàng muốn chui qua thì hạ thấp. Nàng muốn vòng qua thì dài ra!”.

Không còn cách nào khác, nàng đành lần theo chiều dài đi về phía ngọn cây để tìm cách vượt qua. Nàng đi tới đâu thì thân cây lại cứ kéo dài ra đến đấy khiến cho Nàng Hai cứ phải đi mãi, đi mãi mà vẫn không qua được.

3. Mụ yêu tinh Dá Cói

Đang mệt nhọc thì nàng nhìn thấy một vườn mía. Vừa đói vừa khát, nàng liền bẻ mía ăn mà không biết đó là vườn mía của mụ yêu tinh Dá Cói [1]. Dá Cói đang nằm ngủ nghe thấy có tiếng bẻ mía thì thức dậy. Tưởng là con lợn của mình nuôi ra phá mía nên mụ ta vẫn nằm tại chỗ và quát vọng ra:

– Chúi con lợn đen thả trong chuồng của bà đừng ăn mía của bà. Chúi con lợn khoang thả trong chuồng của ta đừng ăn mía của ta! [2]

Nhưng yêu tinh Dá Cói quát đến mấy lần như vậy mà vẫn nghe thấy tiếng bẻ mía rào rào. Vậy là mụ bèn dậy để đi ra xem có kẻ nào cả gan dám phá mía của mụ.

Yêu tinh Dá Cói chạy ra ngoài vườn thì nhìn thấy Nàng Hai đang ăn mía. Mụ ngửa cổ lên trời vừa cười sằng sặc vừa nói:

– Cũng tốt cũng tốt. Thịt bỗng dưng tự đến, cá bỗng dưng tự tới. Cũng tốt cũng tốt!

Lúc này Nàng Hai đã có mang trong người được 8 tháng. Nghe Dá Cói nói như thế nàng sợ đến mức cảm thấy như rụng rời hết chân tay.

Nàng khóc lóc van xin với mụ yêu tinh:

– Xin bà đừng có vội ăn thịt cháu mà hãy tạm để cháu hầu hạ bà. Nay cháu đang có mang. Nếu cháu đẻ ra con trai thì sẽ cho làm chồng nhỏ của bà. Nếu đẻ con gái thì bà ăn thịt cả hai mẹ con cũng chưa muộn!

Dá Cói nghe thấy vậy thì bùi tai nên chưa vội ăn thịt Nàng Hai. Không những thế mà hàng ngày mụ còn đi tìm kiếm thức ăn về nuôi nàng, mong nàng sinh ra được một đứa con trai để cho mụ lấy làm chồng.

Đủ chín tháng mười ngày, Nàng Hai sinh hạ được một đứa con trai. Yêu tinh Dá Cói vô cùng mừng rỡ, lại càng chịu khó đi vào rừng kiếm thịt hươu nai về để nuôi hai mẹ con Nàng Hai.

Ngày nối ngày, tháng tiếp tháng trôi đi, đứa con trai của Nàng Hai dần cứng cáp. Sống bên cạnh Dá Cói, Nàng Hai để ý thấy rằng mụ rất thường hay nói ngược.

Nếu mụ như dặn:

– Chồng bé chồng nhỏ của ta
Ta chỉ đi chốc lát sẽ trở về
Ta chỉ đi một lúc sẽ quay lại.
Chồng bé chồng nhỏ của ta ơi
Ngoan ở nhà đợi ta nhé!

thì chắc chắn là mụ sẽ đi rất lâu.

Còn nếu như mụ dặn:

– Chồng bé chồng nhỏ của ta
Ở nhà đợi ta nhé
Ta phải đi thật lấu thật lâu mới về.

thì là mụ chỉ đi đâu đó, một thoáng một chốc thôi là sẽ quay lại ngay.

Ngoài điều đó ra, mụ yêu tinh Dá Cói còn có một cây gậy sinh tử có thể làm người ta chết đi sống lại, một chiếc quạt thần có khả năng quạt ra nước ra lửa. Nắm biết vậy nên Nàng Hai nghĩ ra kế để bỏ trốn. Nàng tính toán trong bụng: muốn trốn thì trước tiên phải lấy cho bằng được chiếc quạt thần và chiếc gậy sinh tử.

Vậy là đợi vào đúng lúc nửa đêm nàng mới cấu cho con khóc. Dá Cói nghe thấy tiếng khóc nên cất tiếng hỏi:

– Tại sao chồng nhỏ của ta khóc vậy hả?

Nàng đáp:

– Chồng nhỏ của bà đòi lấy cây gậy để chơi!

Mụ Dá Cói tưởng thật liền đưa chiếc gậy sinh tử cho Nàng Hai. Một lát sau Nàng Hai lại cấu cho con khóc.

Dá Cói lại hỏi:

– Tại sao chồng nhỏ của ta vẫn khóc vậy hả?

Lần này Nàng Hai đáp:

– Chồng nhỏ của bà muốn đòi lấy chiếc quạt để chơi!

Cứ ngỡ là thật Dá Cói lại đưa tiếp chiếc quạt thần cho Nàng Hai.

Có được gậy sinh tử và quạt thần rồi nhưng chưa biết cách sử dụng nên Nàng Hai lại sử dụng mẹo cũ để hỏi Dá Cói. Không chút nghi ngờ, Dá Cói nói cho nàng biết: Đối với cây gậy sinh tử thì “chỉ bằng đằng gốc thì chết, chỉ bằng đằng ngọn thì sống”. Còn với chiếc quạt thần thì “quạt xuống phía cuối dòng thì suối lũ, quạt lên phía trên dòng thì suối cạn”.

Đã biết được hết bí mật cách sử dụng gậy sinh tử và quạt thần, Nàng Hai chỉ còn đợi thời cơ để đưa con đi trốn.

Nàng chẳng phải đợi lâu. Ngay sáng hôm sau, Yêu tinh Dá Cói đã lại đi ra ngoài săn thú. Trước khi đi, mụ ta dặn là chỉ đi một lát là về ngay, có nghĩa là mụ sẽ đi rất lâu. Lợi dụng nhân dịp này, Nàng Hai quyết định đem con bỏ trốn.

Trước khi bỏ trốn, nàng ra dặn vườn mía, con lợn, cái cối, phên gianh,… là khi mụ Dá Cói trở về có hỏi thì hãy đáp rằng không biết mẹ con nàng đi đâu. Cẩn thận đến vậy, nhưng nàng vẫn quên mất không dặn con gà mái đang bận ấp trứng ở trên ổ. Không những thế, nàng còn lấy của gà mái một quả trứng để mang theo. Cho nên con gà mái hận nàng lắm.

Lúc Dá Cói trở về không nhìn thấy mẹ con Nàng Hai đâu cả nên hỏi khắp mọi thứ mọi vật. Chúng đều trả lời là không biết. Nhưng khi Dá Cói hỏi đến gà mái đang ấp, vì tức giận Nàng Hai nên nó mách ngay là “đi đường suối, đi đường suối”. Yêu tinh Dá Cói liền cưỡi lợn, tức tốc đuổi theo.

Hai mẹ con Nàng Hai vừa kịp lội qua khỏi bờ bên kia suối thì Dá Cói đã cưỡi lợn đuổi đến bờ bên này. Mụ gọi với theo sau lưng:

– Chồng nhỏ, chồng bé của ta ơi, đợi ta với!

Nàng Hai quay lại bảo:

– Bà ơi! Giặc đang đến đằng dưới, hổ đang tới đằng trên. Chồng nhỏ của bà chạy vội quá quên cả đem theo cái chum con lợn cái và mái gà đang ấp. Vì thế, bà hãy quay về để lấy đem theo!

Dá Cói tưởng là thật nên quay trở về để lấy những thứ mà Nàng Hai đã dặn. Khi mụ đem những thứ đó đến bờ suối thì Nàng Hai lại tiếp tục nói:

– Bà hãy lấy chum buộc vào cổ, lấy ổ gà buộc vào ngực, còn con lợn nái thì buộc vào chân. Bà buộc xong thì chồng nhỏ sẽ quạt khiến cho nước suối cạn để bà lội sang.

Mụ Dá Cói lập tức làm theo lời của Nàng Hai. Nàng quạt về phía đầu nguồn khiến cho nước suối cạn để Dá Cói lội sang. Nhưng khi mụ vừa đi ra đến giữa dòng thì nàng lại quạt về phía cuối nguồn khiến cho lũ ầm ầm kéo về nước chảy cuồn cuộn cuốn trôi chìm nghỉm mụ yêu tinh Dá Cói.

4. Diệt trừ lũ quạ ăn thịt người giúp mường Moong Quạnh

Thoát được khỏi Dá Cói, hai mẹ con Nàng Hai đi mãi, đi mãi thì tới một nơi rất nghèo. Người dân ở đây khi nấu nướng toàn phải dùng nồi vỡ và chảo vỡ nên gọi là mường Mỏ Té. Mệt quá, hai mẹ con nàng nghỉ lại ở Mỏ Té một đêm. Sáng hôm sau, hai mẹ con lại lên đường đi tiếp, tới một nơi nom xơ xác đìu hiu nên gọi là mường Moong Quạnh. Ở nơi này hai mẹ con nàng chẳng nhìn thấy bóng dáng một ai cả mà chỉ toàn nhìn thấy xương người phơi đầy khắp mọi chỗ. Đi đến cuối mường thì mẹ con Nàng Hai bắt gặp một chiếc loỏng [3] nằm úp xuống đất, bên trong phát ra tiếng động. Nàng Hai lật loỏng lên thì thấy có một cô gái trẻ đang nấp ở trong đó. Nàng Hai đỡ cô gái chui ra rồi hỏi chuyện. Cô gái trẻ kể cho nàng hay: Mường Moong Quạnh nay đang gặp phải tai hoạ “quạ đen ăn thịt trẻ con, còn quạ trắng ăn thịt người già”.

Sẵn cây gậy sinh tử ở trong tay, Nàng Hai quyết định sẽ giết lũ quạ để trừ hoạ giúp dân mường Moong Quạnh. Trước khi lũ quạ kéo đến, nàng bảo cô gái trẻ còn sống sót hãy cùng nàng đi gom tất cả xương những người đã bị chết đem về xếp tập trung vào một chỗ. Sau đấy nàng dùng đằng ngọn của cây gậy sinh tử để cứu mọi người sống lại.

Cứu được mọi người rồi, Nàng Hai mới hỏi khi nào thì bầy quạ đen quạ trắng tìm đến. Mọi người nói cứ nhìn thấy khói bếp là chúng sẽ lập tức bay tới. Vậy là nàng bảo mọi người hãy đi đốt một đống lửa. Khói lửa vừa mới bốc lên thì bầy quạ đã kéo nhau tới. Chúng đông đến nỗi tiếng vỗ cánh ầm ầm tạo nên một cơn lốc lớn. Nàng Hai liền lấy cây gậy sinh tử chỉ đằng gốc vào lũ quạ khiến chúng chết hết không còn sót mống nào.

Dân mường Moong Quạnh vô cùng biết ơn cứu mạng của Nàng Hai nên đã đồng lòng tôn nàng lên làm người đứng đầu và cùng nhau dựng một ngôi nhà lớn cao hai mươi tầng lầu để cho hai mẹ con nàng ở.

5. Tạo Hôm và Nàng Hai gặp lại nhau

Tháng trôi và năm qua, đứa con trai của Nàng Hai đã lớn đến tuổi biết ôm gà đi chọi. Con gà con được nở ra từ quả trứng gà mà nàng đã mang theo nay cũng đã trở thành một con gà chọi dũng mãnh. Đứa con trai của Nàng Hai đem đi chọi đâu là thắng đấy. Mặc dù cuộc sống hiện đang rất sung sướng nhưng trong lòng của Nàng Hai vẫn không nguôi nỗi niềm nhớ tới Tạo Hôm. Cho nên nàng dạy con hàng ngày bế gà ra bờ suối uống nước thì vừa xui gà bới đất, vừa hát rằng:

– Gà ơi hãy bươi
Gà ơi hãy bới
Nước đục chảy sang bờ bên kia để Tạo Hôm uống
Nước sạch chảy ở bờ bên này để mẹ ta dùng!

Tình cờ trùng hợp mường do Tạo Hôm cai quản và mường Moong Quạnh cùng đều ăn chung nước của cùng một con suối. Vì thế khi con gà chọi bươi đất đã làm bẩn đục nước suối chảy qua mường của Tạo Hôm. Thấy đang yên đang lành bỗng dưng nước suối chảy qua mường mình bị bẩn đục Tạo Hôm bèn sai người nhà đi tìm hiểu xem nguyên nhân tại sao. Người nhà đi rồi về kể lại chuyện đứa bé và con gà chọi cho Tạo Hôm nghe. Tạo bán tín bán nghi trong lòng, đoán rằng biết đâu đấy lại là đứa con trai của mình.

Vậy là tạo đem theo quân lính đi tới bên suối của mường Moong Quạnh mong tìm được Nàng Hai cùng đứa con trai. Nhưng khi tạo đem quân lính tới đó thì chẳng thấy đứa bé và con gà chọi đâu mà chỉ thấy người trong bản ra suối tắm giặt và lấy nước.

Tạo bèn bảo quân lính tạm lánh đi, còn mình thì cởi quần áo đắp bỏ thành đống, giấu thanh kiếm vào trong đó, rồi xuống suối tắm.

Trong lúc Tạo Hôm đang bơi đang tắm thì đứa bé lại ôm gà ra và hát. Tạo Hôm vội chạy tới gần và giữ đứa bé lại. Tạo giơ ngửa lưỡi thanh kiếm lên và nói:

– Nếu đúng là con của Tạo Hôm thì hãy đứng lên trên lưỡi kiếm này. Còn nếu không phải là con của Tạo Hôm thì từ nay không được cho gà bới làm đục nước ở bến dưới.

Đứa bé không hề sợ sệt mà rất dạn dĩ. Nó lập tức đứng ngay lên trên lưỡi kiếm, rồi vòng cánh tay ôm chặt lấy cổ tạo. Biết chắc chắn đấy là con của mình, tạo dặn đứa trẻ trở về nhà với mẹ, còn tạo thì đem quân lính quay trở về mường nhà để còn sai người cùng mình đem lễ sang đón mẹ con Nàng Hai một cách đường hoàng.

Nào ngờ, khi tạo đến rước vợ và con thì Nàng Hai đã dặn dân mường Moong Quạnh không được nói cho tạo biết mẹ con nàng đang ở đâu. Dân mường Moong Quạnh cũng không muốn để cho nàng đi nên nghe theo lời dặn của nàng.  Khi tạo hỏi thăm đến ai, ai cũng đều lắc đầu nói rằng không biết.

Nhưng có một bà cụ sống gần ngôi nhà lớn cao 20 tầng lầu mà mẹ con Nàng Hai đang ở sau khi vô tình biết mọi chuyện đã quyết định giúp cho cả nhà Tạo Hôm và Nàng Hai gặp nhau. Bà đi ra ruộng nhặt rau phắc vén [4] rồi làm cơm mời Tạo Hôm đến ăn. Bà xếp đặt cho Tạo Hôm ngồi xoay mặt về phía ngôi nhà lớn 20 tầng lầu. Bà dặn tạo khi ăn rau phắc vén thì không được cuộn lại, sợi dài thế nào thì phải để nguyên như thế. Sợi rau phắc vén quá dài khiến cho Tạo Hôm khi ăn cứ phải ngửa cổ lên. Vậy là tạo nhìn thấy mẹ con Nàng Hai đang đứng ở tận tít trên tầng lầu thứ 20. Tạo Hôm mừng rỡ khôn xiết bèn xin dân mường Moong Quạnh cho phép được chính thức cưới Nàng Hai. Tạo hứa vẫn sẽ để nàng ở lại làm người đứng đầu mường Moong Quạnh. Còn chàng thì sẽ đứng ra làm tạo chăm lo cho dân, cai quản chung công việc của cả hai mường.

Và bắt đầu từ đấy, vợ chồng Tạo Hôm Nàng Hai đã được sum họp. Họ cùng con trai sống một cuộc đời hạnh phúc bên nhau.

Câu chuyện Tạo Hôm và Nàng Hai – Truyện cổ tích dân tộc Thái
– TheGioiCoTich.Vn –

Chú thích trong truyện Tạo Hôm và Nàng Hai

  1. Yêu tinh Dá Cói: có người gọi là yêu tinh Cang Cói hoặc Phi Ca Đạ. Tuy nhiên cho dù gọi là Cang Cói, Dá Cói hay Phi Ca Đạ thì đây đều là cái tên người dân tộc Thái dùng để chỉ chung loài đười ươi. Còn có vùng khi kể câu chuyện này thì yêu tinh Dá Cói lại được gọi bằng cái tên là Dá Bái (hoặc Dá Vái).
  2. Chúi: từ tượng thanh người dân dùng để đuổi lợn.
  3. Loỏng: một loại đạo cụ được đục trực tiếp từ thân cây gỗ hình lòng máng dài khoảng từ 5 – 7m. Được dùng làm đạo cụ phục vụ múa toỏng loỏng trong lễ tết cốm diễn ra vào tháng chín âm lịch.
  4. Rau phắc vén: rau cỏ bợ.
Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam và thế giới
Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam và thế giới

Kho tàng truyện cổ tích dành cho các bé

Ngoài câu chuyện Tạo Hôm và Nàng Hai kể trên, Thế giới cổ tích còn sưu tầm và chọn lọc rất nhiều những câu chuyện cổ tích thú vị, hấp dẫn khác. Các bạn nhỏ sẽ được bước chân vào thế giới của các bà tiên quyền năng, các nàng công chúa xinh đẹp hay các chàng hoàng tử dũng cảm,… Và đằng sau mỗi câu chuyện ấy đều là những bài học bổ ích về đạo đức và cuộc sống.

Đừng quên khám phá kho tàng truyện cổ tích hay nhất của Việt Nam và thế giới tại TheGioiCoTich.Vn.