Thần Ru ngủ [Truyện cổ tích Andersen]

Truyện cổ tích Andersen: Thần Ru ngủ

Thần Ru ngủ là câu chuyện cổ tích của Andersen, kể về một vị thần thường tạo ra những giấc mơ cho trẻ em tùy thuộc vào mức độ tốt hay xấu của mỗi người.

Truyện được xuất bản lần đầu tiên vào ngày 20 tháng 12 năm 1841.

Trên đời này chẳng ai biết nhiều chuyện bằng Thần Ru ngủ [1]. Ở Đan Mạch người ta gọi là Thần Ôle Ru ngủ. Đúng đấy! Thần mà kể chuyện thì có thể mê đi được.

Tối đến, khi bọn trẻ con còn đang ngồi quanh bàn thì Thần Ru ngủ bay tới. Thần rón rén bỏ giày đi, nhẹ nhàng lên thang gác, mở hé cánh cửa và, vù một cái, Thần ném cát vào mắt trẻ con, một thứ cát rất mịn. Thế là bọn trẻ tối tăm mặt mũi lại, chẳng nhìn thấy Thần. Thần lẻn vào sau lưng chúng, thổi nhẹ vào gáy chúng. Thế là đầu chúng nặng chịch ra và chúng buồn ngủ rũ rượi.

Khi lũ trẻ đang ngủ, Thần ngồi trên giường chúng. Thần mặc một chiếc áo lụa rất đẹp, trông không rõ là màu gì, vì áo đổi màu tuỳ từng lúc: xanh biếc, đỏ thẫm, hoặc xanh lợt.

Mỗi tay Thần cắp một cái ô.

Phía trong của một trong hai cái ô đó vẽ nhiều hình tuyệt đẹp, ấy là cái Thần che cho trẻ con ngoan để các em mơ thấy những chuyện thật thú vị. Còn trên chiếc ô kia chẳng vẽ gì cả, dùng cho những đứa trẻ hư, giấc ngủ của chúng sẽ nặng nề, chúng chẳng mơ thấy gì cả và lúc thức dậy đầu chúng cũng vẫn nặng chình chịch. Sau đây, tôi kể lại cho các em những chuyện mà trong một tuần lễ Thần Ru ngủ, cứ tối tối đến thăm cậu bé Igianma, đã kể cho cậu.

Thứ Hai

– Chú ý này! – Thần Ru ngủ bảo Igianma sau khi đã đặt cậu bé vào nằm im trong giường. Ta sẽ biến hoá tất cả mọi vật ở trong phòng này!

Thế là trong nháy mắt tất cả những cây trong các chậu hoa biến thành những gốc cây lớn, cành lá xum xuê vươn lên trên các bức tường đến tận trần nhà. Gian phòng biến thành một buồng kính ươm cây. Cành cây nở đầy hoa thơm ngát và đẹp hơn cả hoa hồng. Hoa lại có thể ăn được, ngon hơn cả loại mứt ngon nhất. Quả cây lấp lánh như vàng thật. Trên cây còn có cả bánh ngọt, trên rải toàn mứt nho. Thật là tuyệt!

Nhưng, ngay lúc ấy, trong ngăn kéo của Igianma đựng sách vở, bỗng có tiếng rên rỉ thảm thiết.

– Gì thế nhỉ? – Thần Ru ngủ vừa bước tới cái bàn vừa nói.

Thần mở ngăn kéo ra. Cái bảng đá đang kêu ca, phàn nàn. Người ta đã làm trên bảng một bài tính đố, trong đó có một con tính làm sai nên đáp số cũng sai. Cái bút viết bảng, mặc dù bị một sợi dây cột vào bảng đá, cũng cứ nhảy nhót, múa may cuồng lên như một con quỷ lùn. Bút muốn chữa bài tính, nhưng không sao làm được.

Từ trong quyển vở viết tập của Igianma cũng có tiếng rền rĩ nghe rợn cả người. Trong vở, trên mỗi trang đều có những chữ hoa và chữ thường của thầy giáo viết làm mẫu. Dưới mỗi hàng là những nét chữ khác muốn có vẻ giống hệt chữ mẫu. Đó là chữ của Igianma, nhưng rõ ràng là chữ ấy viết nguệch ngoạc, cứ muốn vượt lên trên dòng kẻ.

– Trông người ta đứng thế này kia mà! – Chữ mẫu nói – Hơi nghiêng nghiêng và duyên dáng một chút!

Chữ của Igianma viết đáp:

– À! Chúng tớ cũng muốn thế lắm chứ, nhưng chúng tớ yếu quá, không ngẩng đầu lên được.

Thần Ru ngủ nói:

– Được, nếu vậy thì ta sẽ rắc cho chúng bay một ít phấn trẻ em.

– Không! Không! – Đám chữ kêu lên và ngửng ngay dậy, trông đến là đẹp mắt.

Hôm nay ta không kể chuyện cho cậu nghe đâu! – Thần Ru ngủ vào Igianma – Ta phải dậy một bài thể dục cho đám chữ hoa của cậu đã. Nào! Một, hai! Một, hai!

Đám chữ tập thể dục theo tiếng hô của Thần Ru ngủ và cuối cùng đứng thẳng được như chữ mẫu.

Thế nhưng, sáng sau, khi Thần Ru ngủ đi rồi, cậu bé giở vở ra, chữ viết vẫn nguệch ngoạc, thảm hại như trước.

Thứ Ba

Igianma vừa vào tới giường, Thần Ru ngủ đã rắc phấn có phép lạ vào tất cả đồ đạc trong phòng. Bỗng chúng tranh nhau nói, nhao nhao cả lên, chỉ có cái ống nhổ là im bặt. Ống nhổ ta lên mặt giận. Ai bảo đứng tận trong góc tường, ai mà chú ý đến?

Trên cái tủ có nhiều ngăn kéo có treo một bức vẽ phong cảnh, đóng khung. Trong tranh có nhiều cây cổ thụ cao lớn, có bãi cỏ, có nhiều cây đã ra hoa và một con sông con chảy men rừng, qua nhiều lâu đài, rồi đổ ra biển cả.

Thần Ru ngủ rắc ít phấn vào bức tranh. Thế là chim chóc trong tranh ca hót véo von, ngọn cây rung rinh trước gió, mây trôi, bóng mây lướt trên tranh.

Rồi Thần đặt cậu bé vào trong tranh, trên thảm cỏ.

Mặt trời sáng rực, lấp lánh qua hàng cây cao vút. Igianma chạy theo dọc bờ sông và leo lên một chiếc thuyền sơn trắng viền đỏ đậu gần đấy, cánh buồm nom như bằng bạc, đàn thiên nga đeo vòng trên cổ, đầu cài một ngôi sao xanh biếc rực rỡ, lôi thuyền ra khỏi khu vườn xanh tươi, nơi mà cây cối toàn kể những chuyện về trộm cướp và ma quái, và kể lại những chuyện mà loài bướm đã kể cho cây nghe.

Đàn cá vẩy vàng vẩy bạc tung tăng cạnh thuyền. Chim xanh, chim đỏ đủ các loại to nhỏ, nối đuôi nhau bay thành hai hàng dài. Ruồi và bọ hung bay vù vù. Tất cả chim chóc côn trùng đều muốn bay theo Igianma và kể chuyện cho cậu nghe.

Một cuộc du ngoạn thật là thú vị! Rừng cây lúc thì rậm rạp, âm thầm, lúc thì giống như những khu vườn rực rỡ, tràn ngập ánh nắng, đầy hoa thơm cỏ lạ; lại có những lâu đài bằng đá hoa cương và pha lê cao hơn các vòm cây. Một nàng công chúa đứng trên bao lơn, đó là một cô bé mà Igianma rất quen biết. Ngày xưa cô bé đã từng chơi đùa với cậu. Chúng chìa tay cho nhau và cô bé biếu cậu một chiếc kẹo hình con lợn con mà chẳng thấy bán ở hàng kẹo nào cả. Khi thuyền lướt sát bao lơn, Igianma giơ tay lấy kẹo, nhưng kẹo bị gãy làm đôi và mỗi đứa một nửa. Phần của Igianma to hơn.

Phía trước lâu đài có các hoàng tử tí hon đang đứng gác. Họ giơ gươm chào cậu và ném cho cậu nhiều chùm nho và những chú lính chì.

Lúc thì Igianma đi qua rừng, lúc thì qua các gian phòng rộng, qua các thành phố. Chợt cậu đi tới tỉnh của bà vú nuôi yêu quý đã nuôi cậu khi cậu còn nhỏ tí. Bà ta vẫy tay, gật đầu chào cậu và hát lên những câu ca của bà tự đặt ra:

Hỡi cậu Igianma
Bé thân yêu của ta
Xưa bế bồng hôn hít
Nay khôn lớn thế kia.
Cậu hãy nắm tay ta
Trước khi rời đi xa
Ta nguyện cầu Thượng đế
Phù hộ Igianma.

Trong lúc ấy, chim chóc ca hát, hoa nhảy múa trên cành lá và các cây cổ thụ cũng sà xuống như để nghe Thần Ru ngủ kể chuyện.

Thứ Tư

Trời mưa tầm tã, Igianma nằm ngủ mà vẫn nghe tiếng nước mưa đổ xuống. Khi Thần Ru ngủ mở một cửa sổ ra, nước mưa mấp mé khuôn cửa.

Bên ngoài là cả một dải hồ vầ một chiếc thuyền lộng lẫy trước cửa nhà.

– Igianma có muốn đi chơi với ta không? Thần Ru ngủ hỏi. Đêm nay ta qua chơi một số nước, sáng mai ta mới về.

Trong nháy mắt Igianma đã thắng bộ quần áo chủ nhật vào và bước xuống thuyền. Mưa đã ngớt hẳn. Con thuyền trôi qua các phố và đi vòng quanh nhà thờ. Trước mắt họ là biển rộng mênh mông.

Họ lướt sóng đi xa mãi, không còn nhìn thấy đất liền nữa. Họ trông thấy một đàn cò lìa tổ bay về các xứ nóng. Chúng nối đuôi nhau bay qua và chẳng bao lâu đã xa hẳn, nhưng có một chú cò mệt quá, đôi cánh hầu như không đủ sức mang nổi thân nữa. Đó là chú cò cuối cùng trong đàn. Chú ta không theo kịp đàn, sã cánh rơi xuống đúng con thuyền đang lướt qua. Chân bám vào dây buồm, chú gắng gượng nhoi lên, nhưng vô ích, chú ngã xuống boong tàu.

Một cậu thuỷ thủ tóm lấy cò đem nhốt vào chuồng cùng với gà, vịt, ngan, ngỗng. Chú cò đáng thương ngượng nghịu đứng sững ra ở giữa chuồng.

Gà mái kêu lên:

– Ở đâu thò ra thế?

Một gà trống phưỡn ngực, xù bộ lông lên, hỏi cò là ai.

Đàn vịt chen chúc nhau, lạch bạch lùi ra xa, kêu: Cạc! Cạc! Cạc!

Cò bèn nói cho chúng nghe về châu Phi nóng bỏng, về kim tự tháp, về chim đà điểu chạy rong trên thảo nguyên bao la như những con ngựa rừng. Nhưng đàn vịt chẳng hiểu quái gì cả. Chúng lấy mỏ bấm nhau và thì thào:

– Hình như của này ngớ ngẩn thì phải. Các bạn đồng ý cả chứ?

Cò ta im bặt, mơ tới châu Phi đẹp đẽ của mình.

– Đằng ấy có đôi giò tuyệt quá! – Gà trống nói – Bao nhiêu tiền một thước đấy?

– Cạc! Cạc! Cạc! – Lũ vịt kêu lên, nhưng cò làm ra bộ chẳng nghe thấy gì cả.

Gà trống tiếp:

– Ít nhất đằng ấy cũng nên nở một nụ cười mới phải, vì câu nói của tớ cũng khá dí dỏm chứ lị! Nhưng có lẽ hơi thâm thúy đối với đằng ấy.

Gà trống nghĩ thầm:

– Có lẽ hắn đần thật. Mặc hắn, cánh hiểu biết chúng ta chơi với nhau thôi.

Gà trống lại rúc lên, gà vịt lại quàng quạc, nghe chói cả tai, nhưng chúng lấy thế làm thú vị.

Igianma bước tới chuồng gà, mở cửa thả cò ra. Cò được nghỉ ngơi, đã lại sức, nghiêng mình chào cậu bé đã giải thoát cho mình. Rồi cò tung đôi cánh, bay về các xứ nóng. Thấy vậy, đàn gà mái cục ta cục tác ầm lên, vịt quàng quạc và gà trống ta giận đỏ cả mặt.

Igianma bảo chúng:

– Ngày mai chúng mày sẽ được giết thịt và dọn lên bàn ăn tất!

Vừa lúc ấy, cậu chợt tỉnh giấc và thấy mình đang nằm trên giường. Tuyệt thay cuộc du ngoạn của cậu cùng với Thần Ru ngủ!

Thứ Năm

– Đợi tí nhé! – Thần Ru ngủ nói – Nhất là chớ có sợ, ta sẽ cho cậu xem một con chuột nhắt.

Nói rồi Thần giơ ra một con chuột nhắt nằm trong lòng bàn tay.

– Chuột đến mời cậu đi dự đám cưới chuột tối nay, tổ chức ở dưới gầm sàn bếp đấy. Dưới ấy hình như tráng lệ lắm kia đấy.

Igianma hỏi:

– Nhưng làm sao mà tôi qua được cái lỗ nhỏ ở sàn nhà mà xuống gầm được?

Thần trả lời:

– Cái đó đã có ta lo, ta sẽ làm cho cậu bé lại.

Nói rồi Thần rắc lên người Igianma ít bột, thế là cậu cứ bé đi, bé mãi đến lúc chỉ còn bằng ngón tay.

Thần nói tiếp:

– Giờ thì cậu có thể mượn bộ quần áo của anh lính chì mà mặc. Cậu mặc vừa đấy. Đi dự đám cưới mà mặc quân phục thì oách nhất còn gì bằng.

– Hoan hô! – Igianma reo lên.

Và trong nháy mắt cậu đã thắng xong bộ cánh của chú lính chì.

Chuột nhắt kính cẩn thưa:

– Xin cậu vui lòng ngồi vào cái đê [2] của cụ bà để em được hân hạnh kéo cậu đi ạ!

– Làm phiền đằng ấy quá! – Igianma đáp lại rất lễ phép.

Và thế là họ kéo nhau đi dự đám cưới chuột.

Lúc đầu họ chui xuống gầm sàn, men theo một đường hành lang dài và thấp, vừa bằng chiều cao của cái đê, hai bên có những mảnh gỗ mục có chất lân tinh lập loè soi sáng.

– Tuyệt chứ lị! – Chuột nhắt nói – Hành lang đã được phết một lượt mỡ đấy! Thơm, thơm ra phết!

Cuối cùng họ vào đến phòng khách, nơi tổ chức đám cưới. Chuột cái đang chuyện trò ầm ĩ. Phía bên trái, mấy con chuột đực đang giơ cẳng trước lên mân mê bộ ria mép. Ở giữa là cô dâu chú rể, ngồi trên một tấm phó mát và ôm hôn nhau trước mặt quan khách. Vì họ đã đính hôn và sắp làm lễ cưới nên có làm thế cũng chẳng ai nói gì.

Khách khứa vẫn tiếp tục kéo đến. Cô dâu chú rể ngồi ngay chính giữa cửa ra vào.

Phòng khách cũng được phết đầy mỡ như ngoài hành lang, sực một mùi béo ngậy. Đến lúc ăn tráng miệng, nhà chủ mang ra một hạt đỗ trên đó một chú chuột con đã dùng răng nhấm, khắc hai chữ đầu tên của cô dâu chú rể. Thật là một công trình nghệ thuật.

Cả lò chuột đều cho rằng đám cưới thật là vui vẻ tưng bừng.

Igianma thích thú trở về nhà, mặc dù đã phải thu bé người lại và khoác bộ cánh của chú lính chì.

Thứ Sáu

– Lạ quá! – Thần Ru ngủ nói – Không biết bao nhiêu là người, cả người lớn tuổi và nhất là những người đã làm điều xấu, thường hay hỏi ta: “Ông bạn thân mến, chúng tôi không tài nào nhắm được mắt nữa, suốt đêm những tội lỗi của chúng tôi cứ hiện ra lù lù trước mặt như những con quỷ con và hắt những giọt nước sôi và người chúng tôi nữa. Ông bạn hãy đuổi giúp chúng đi cho chúng tôi ngủ với. – Họ thở dài rồi nói tiếp: – Ông bạn muốn lấy bao nhiêu tiền cũng được, đấy tiền để ở cửa sổ ấy!”. Tôi trả lời: “Tiếc rằng những việc tôi làm không phải vì tiền”.

Igianma hỏi:

– Đêm nay chúng ta làm gì?

– Cậu muốn đi dự một đám cưới nữa không? Đám này khác đám hôm qua. Chả là con búp bê lớn tướng của chị cậu, trông giống như con trai, mà chị cậu đặt tên là Hecman, kết hôn với con búp bê Bectơ. Hôm nay cũng là kỷ niệm ngày sinh của Hecman.

– Phải, tôi biết. – Igianma đáp – Cứ mỗi lần các con búp bê của chị tôi được mặc áo mới là y như chị ấy bảo rằng chúng cưới nhau hay là mừng ngày sinh nhật của nhau. Ít ra cũng có tới trăm lần như vậy rồi.

– Đúng, hôm nay là lễ cưới thứ một trăm linh một, mà lần này sẽ vui đáo để. Ta đi thôi.

Igianma nhìn lên bàn thấy có một chiếc nhà của búp bê có ánh đèn chiếu sáng các cửa sổ. Trước cửa ra vào, đoàn lính chì đang bồng súng. Cô dâu chú rể đang ngồi trầm ngâm nhìn vào mép bàn. Thần Ru ngủ khoác chiếc áo choàng đen của bà nội Igianma làm phép cưới cho họ.

Quà được mang đến rất nhiều. Không ai mang thức ăn đến vì cô dâu chú rể là những người thừa ăn thừa mặc.

Chú rể hỏi cô dâu:

– Mùa hè năm nay chúng ta có về quê chơi, hoặc đi du lịch ra ngoại quốc không?

Họ hỏi ý kiến con chim én đã từng đi chu du khắp thiên hạ và mụ gà mái đã từng ấp năm ổ gà con. Chim én tả lại phong cảnh rực rỡ của các xứ ấm. Ở đó khí hậu êm dịu, núi non ánh lên đủ các màu sắc. Quả thật là đẹp không đâu bằng.

Gà mái đáp:

– Thế nhưng ở đấy lại chẳng có bắp cải lá quăn như ở quê tôi. Tôi đã ở quê cả một mùa hè với đàn gà con. Ở đấy có một bãi cát rộng tha hồ mà dạo chơi và bới cào. Lại có một vườn trồng toàn bắp cải lá quăn, xanh ngắt một màu. Không! Chẳng đâu có cảnh đẹp như thế!

– Bắp cải thì ở đâu cũng thế thôi. – Chim én nói – Nhưng ở nông thôn, thời tiết luôn luôn xấu chả thích thú chút nào!

– Ôi dào! – Gà mái đáp – Rồi cũng quen tất!

– Ở đấy trời rét, tuyết rơi, chả thú vị gì.

– Đúng! Rét thì bắp cải mới cuốn! – Gà mái nói tiếp.

– Tôi cũng đã từng đi du lịch. Có lần tôi đã đi hai dặm đường trong một cái bu. Du lịch quả là chẳng thú vị gì.

– Gà mái nói rất đúng – Búp bê Bectơ nói – Tôi thì tôi chẳng thích đi chơi núi, chỉ leo lên leo xuống suốt ngày, chán chết! Ta cứ chơi trên bãi cát và trong mảnh vườn trồng bắp cải lá quăn cũng đủ lắm rồi.

Không ai có ý kiến gì nữa.

Thứ Bảy

– Thần kể cho tôi nghe một chuyện nào. – Igianma nói với Thần Ru ngủ khi Thần đặt cậu vào giường.

– Tối nay ta không có thì giờ. – Thần vừa nói vừa xòe chiếc ô ra.

– Chiếc ô có những hình người đẹp quá! – Igianma nói.

Đúng thế. Chiếc ô giống như một cái khăn trùm đầu lớn có vẽ cây cối màu xanh lam, mấy chiếc cầu kiểu Trung Quốc có mái nhọn hoắt và trên cầu có một đám trẻ con, đầu chúng lắc lư không ngớt.

– Ta sẽ đi tô điểm cho cả thế gian. – Thần Ru ngủ bảo – Mai là chủ nhật, là ngày lễ rồi. Ta phải leo lên gác chuông xem mấy chú lùn trong nhà thờ đánh bóng các quả chuông chưa để ngày mai rung lên cho kêu. Ta lại còn phải ra đồng xem gió đã quét sạch bụi bám trên lá cây và ngọn cỏ chưa. Nhưng công việc nặng nhọc nhất là phải kéo bầy sao trên trời xuống để lau chùi lại cho sáng. Ta sẽ cho chúng vào tạp dề, nhưng phải đánh số sao nào vào lỗ ấy, để sau còn đặt trả chúng về chỗ cũ, nếu không làm thế sẽ có nhiều sao đổi ngôi quá, rồi dần dần sẽ rơi mất cả.

Một bức chân dung treo trên tường, ở đầu giường Igianma, lên tiếng:

– Này ông bạn, hãy nghe tôi nói. Tôi là cụ kỵ chú bé này và xin cảm ơn ông bạn đã kể chuyện cho cháu nghe. Nhưng yêu cầu anh bạn đừng nói với cháu những điều vô lý. Làm sao có cái thứ sao tháo xuống để lau chùi kia chứ? Sao là những thiên thể, cũng như trái đất thôi.

– Cám ơn cụ tổ. – Thần Ru ngủ đáp – Rất cám ơn cụ tổ đã góp ý. Cụ là người sáng lập ra cái gia đình này, thật quý hoá, nhưng dù cụ có nhiều tuổi đến mấy cũng chẳng bằng tuổi tôi. Tôi là một vị thần thời cổ đại, từ thời cổ Hy Lạp và cổ La Mã tôi đã có tên là Thần Ru ngủ. Tôi đã từng đến chơi những nhà sang trọng bậc nhất, biết nói chuyện một cách nghiêm túc hoặc chân thật. Thế còn cụ, đến lượt cụ đấy, cụ muốn kể chuyện gì thì kể đi.

Nói đoạn, Thần Ru ngủ xách ô đi ra.

– Không có quyền góp ý một chút hay sao? – Bức tranh lầm bầm.

Giữa lúc đó, Igianma thức giấc.

Chủ Nhật

Thần Ru ngủ nói:

– Chào cậu!

Igianma chào lại và đứng lên giường quay bức tranh cụ tổ vào tường để khỏi làm ngắt quãng câu chuyện như hôm qua.

– Hôm nay Thần kể chuyện đi, truyện “Năm hột đậu nằm trong vỏ đậu ván”, hay truyện “Cẳng gà trống tân cẳng gà mái”, truyện “Kim thô lại tưởng mình là kim thêu”.

– Đừng có đòi hỏi nhiều quá. – Thần Ru ngủ nói – Ta sẽ cho cậu xem cái này hay hơn. Hôm nay cậu sẽ được gặp ông anh của ta. Anh ấy cũng là thần, nhưng đến thăm ai thì chỉ đến một lần thôi, rồi mang người ấy cùng đi trên mình ngựa và kể chuyện cho nghe. Hơn nữa anh ấy chỉ biết có hai chuyện, một chuyện rất là hay, hay vô cùng, hay nhất trần đời và một truyện, trái lại, thì khủng khiếp, ghê rợn đến nỗi chẳng nên nghe.

Nói đoạn Thần nâng bổng Igianma lên để cậu nhìn qua cửa sổ và nói:

– Đấy, cậu trông thấy anh ta không? Đó là Thần Chết. Cậu xem! Anh ta có ghê tởm như người ta vẽ trong các tập tranh đâu! Đầu anh ấy chẳng phải là một cái sọ dừa như người ta tưởng. Quần áo anh ấy toàn thêu bằng chỉ bạc cả đấy nhé! Cũng đẹp đấy chứ? Lại còn chiếc áo choàng bằng nhung đen phấp phới trùm cả lưng ngựa nữa, trông có vẻ lắm chứ lị! Cậu xem, anh ấy phi ngựa có đẹp không kìa!

Thực tế, Igianma thấy anh của Thần Ru ngủ phi ngựa qua như một cơn lốc. Ông ta mang theo trên lưng ngựa một đoàn người, già trẻ lớn bé. Trước khi đặt họ ngồi sau hoặc trước yên ngựa, thần đều hỏi từng người một:

– Sổ hạnh kiểm đâu? Tốt hay xấu?

– Tốt – Ai cũng trả lời như vậy.

– Cho xem cái đã. – Thần Chết bảo.

Thế là họ phải chìa sổ ra. Ai được phê “tốt”, hay “rất tốt” vào sổ đều được ngồi phía trước yên và được nghe kể chuyện hay nhất trần gian. Ai bị phê “kém” hoặc “tồi” vào sổ thì phải ngồi sau lưng ngựa, và nghe kể chuyện ghê rợn. Bọn này khóc lóc, run sợ muốn nhảy ra khỏi lưng ngựa, nhưng không được, cứ như bị buộc chặt vào đấy.

Igianma bảo Thần Ru ngủ:

– Thần Chết cũng tốt đấy chớ có sao đâu? Tôi chẳng sợ ông ta tí nào cả.

– Việc gì mà sợ! Thần Ru Ngủ đáp, chỉ cần cậu luôn luôn giữ hạnh kiểm cho tốt là được.

Trong bức tranh, cụ tổ rất hài lòng, cụ thì thầm:

– Bài học tốt đấy! Nghĩ thế nào nói thế ấy bao giờ cũng hơn cả.

 

Câu chuyện Thần Ru ngủ
Nguyễn Văn Hải – Vũ Minh Toàn dịch
Nguồn: Truyện cổ Anđecxen – tập 2, trang 339, NXB Đà Nẵng – 1986
– TheGioiCoTich.Vn –

Tìm mua Truyện cổ Andersen toàn tập

Nếu muốn, các bạn có thể đặt mua bộ Truyện cổ Andersen toàn tập về đọc với chất lượng giấy tốt và hình ảnh minh họa vô cùng đẹp mắt.
Mua truyện tại Fahasa Mua truyện tại Tiki Mua truyện tại Shopee

Chú thích trong truyện Thần Ru ngủ

  1. Thần Ru ngủ: theo truyền thuyết của các nước bên châu Âu, trẻ con khi ngủ Thần đến ru ngủ và gây cho trẻ những giấc mơ đẹp.
  2. Cái đê: cái bọc đầu ngón tay bằng kim khí để ấn kim khâu.
Truyện cổ Andersen
Truyện cổ Andersen

Kho tàng truyện cổ tích dành cho các bé

Ngoài câu chuyện Thần Ru ngủ kể trên, Thế giới cổ tích còn sưu tầm và chọn lọc rất nhiều những câu chuyện cổ tích thú vị, hấp dẫn khác. Các bạn nhỏ sẽ được bước chân vào thế giới của các bà tiên quyền năng, các nàng công chúa xinh đẹp hay các chàng hoàng tử dũng cảm,… Và đằng sau mỗi câu chuyện ấy đều là những bài học bổ ích về đạo đức và cuộc sống.

Đừng quên khám phá kho tàng truyện cổ tích hay nhất của Việt Nam và thế giới tại TheGioiCoTich.Vn.