Câu chuyện về tình anh em
Tình anh em là truyện cổ tích Triều Tiên, nhắc nhở anh em trong gia đình phải thương yêu, giúp đỡ nhau và thể hiện mong ước ở hiền gặp lành của người xưa.
Anh em như thể tay chân
Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy.
– Ca dao Việt Nam –
1. Lời dặn dò của cha trước khi nhắm mắt
Ngày xưa, ở nước Triều Tiên có ông cụ sinh được hai người con trai tên là Năng Ba [1] và Hưng Ba [2]. Khi hấp hối, cụ gọi hai con lại bên giường dặn rằng:
– Các con là anh em ruột thịt. Sau khi cha mất, các con phải ăn ở hòa thuận, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Có như thế thì cha nhắm mắt mới yên lòng.
2. Năng Ba tham lam, quên lời cha dặn
Sau khi cha mất, Năng Ba và Hưng Ba vẫn sống chung một nhà. Nhưng Năng Ba vốn tính tham lam, mà vợ anh ta cũng rất xấu bụng. Họ không những chiếm hết của cải cha để lại mà còn bắt vợ chồng Hưng Ba làm lụng rất vất vả.
Một hôm đi làm đồng về, Hưng Ba thấy chị dâu lấy đang đánh con mình. Thương con, nhưng Hưng Ba vẫn nhẫn nhịn không nói gì. Thế mà vợ Năng Ba còn cố ý sinh sự, chửi bới thậm tệ.
Muốn đuổi em khỏi căn nhà từ lâu nên Năng Ba bênh vợ, bảo em:
– Chú thím còn định ăn bám gia đình tôi đến bao giờ nữa? Liệu mà kiếm đường đi làm ăn!
Vợ chồng Hưng Ba vốn hiền lành, đành lặng lẽ thu dọn quần áo, dắt con đi tay không.
3. Hưng Ba tốt bụng, được bà chúa Yến giúp đỡ
Ba con người khốn khổ ấy đi lang thang suốt ngày, không một hạt cơm dính bụng. Đói, khát, đứa bé khóc la thảm thiết.
Tối đến, họ kéo nhau vào một cái hang núi trú chân. Vốn khỏe mạnh, sáng hôm sau Hưng Ba vào rừng kiếm cho vợ con được ít rau củ ăn đỡ đói và chặt cây, cắt cỏ dựng dừng một cái lều. Vợ bảo anh:
– Lều thấp hẹp, trống trải thế này thì làm sao sống nỏi qua mùa đông, mưa xuống, tuyết rơi?
Hưng Ba cười đáp:
– Không hề gì. Có thế thì trời đất mới thấy rõ nỗi khổ của ta, thương ta hiền lành mà vất vả, không chừng sẽ giúp đỡ ta cũng nên. Mình đừng quá lo mà mang bệnh, không ai chăm sóc con!
Mùa đông năm ấy trôi qua. Ai nấy đều bình yên.
Mùa xuân đến, trăm hoa rừng đua nở, chim chóc líu lo trên cành.
Bỗng một con chim yến bị rắn cắn, gãy một chân rơi xuống trước cửa lều. Hưng Ba đỡ chim lên, xức thuốc, buộc lại vết thương rồi trèo lên cây, đặt nó vào tổ.
Đến mùa thua, bà chúa Yên họp đại hội. Chú chim bị thương cũng có mặt và đã nhảy múa được. Thấy nó khập khiễng, bà chúa Yến hỏi nguyên do. Chim liền kể lại đầu đuôi câu chuyện. Cảm động trước lòng tốt của vợ chồng Hưng Ba, bà giao cho chú chim yến bị thương một hạt bầu trắng để làm quà biếu Hưng Ba.
Được hạt bầu ấy, Hưng Ba cẩn thận gieo xuống sau vườn. Chẳng bao lâu, cây mọc lên, đâm hoa và kết thành năm quả bầu lớn. Vợ chồng Hưng Ba định bổ ra ăn thì thấy vỏ cứng như gỗ, phải cưa mãi mới đứt phần trên.
Lạ lùng thay! Từ quả bầu thứ nhất tuôn ra không biết bao nhiêu là vàng bạc, châu báu.
Quả thứ hai để rơi ra một nắm đá cuội và đá ấy bỗng chốc biến thành một lâu đài tòa ngang, dãy dọc nguy nga.
Quả thứ ba chứa toàn gấm vóc, tơ lụa.
Quả thứ tư để chảy ra đủ thứ lúa gạo ngon lành.
Quả thứ năm cho hàng chục người giúp việc khỏe mạnh.
Thế là bỗng dưng vợ chồng Hưng Ba trở nên giàu có, sung sướng.
4. Năng Ba tham lam bị trừng phạt
Người anh ruột là Năng Ba đến chơi, thấy vậy rất thèm thuồng. Nghe em kể lại câu chuyện con chim yến bị thương và những quả bầu tiên, khi trở về, thấy một con yến đậu trước nhà, anh ta nhặt hòn đá ném nó gãy chân, rồi cũng băng bó cho nó như em trai mình đã làm.
Năm ấy, con chim này cũng bay về nam dự hội. Nó trình bay mọi việc đã xảy ra với bà chúa Yến. Bà chúa Yến tức giận, trao cho con chim một hạt bầu khác bảo mang về cho Năng Ba.
Được hạt bầu, Năng Ba mừng quýnh, đem gieo ngay trước cửa. Hạt bầu cũng nảy mầm, ra hoa, kết quả. Nhưng khi cưa ra thì thấy hiện lên một lão phù thủy [3] gõ mõ khua chuông ầm ĩ. Một lũ quỷ sứ ào ra quát tháo inh ỏi, phá phách nhà cửa tan hoang. Rắn rết không rõ từ đâu kéo đến lổm ngổm trong ngoài, chật cả lối đi.
Vợ chồng Năng Ba kêu khóc om sòm nhưng làng xóm vẫn không ai đến. Quá sợ hãi, chúng phải bỏ làng, kéo nhau đi ăn xin.
5. Tình anh em được nối lại do lòng tốt của Hưng Ba
Một hôm, gặp Hưng Ba, người anh ngẫm tủi nhục quá, khóc òa lên như một đứa trẻ. Vốn tốt bụng, Hưng Ba đón anh vào, rót mời một li rượu, và nói:
– Anh đã biết hối hận thì hãy cùng em cạn li rượu này, để quên hết mọi nỗi đau buồn đã qua và mừng cho tình anh em chúng ta được nối lại như lời bố dặn.
Sau đó, Hưng Ba mời cả gia đình người anh về nhà mình ở và anh em lại sống với nhau rất thuận hòa.
Câu chuyện Tình anh em – Truyện cổ tích Triều Tiên
Nguồn: Kể chuyện 3, trang 35, NXB Giáo dục – 1983
– TheGioiCoTich –
Chú giải trong câu chuyện cổ tích Tình anh em
[1] Năng Ba: tên nhân vật được dịch ra tiếng Việt, nguyên gốc tiếng Hàn là 놀부 (Nolbu).
[2] Hưng Ba: tên nhân vật được dịch ra tiếng Việt, nguyên gốc tiếng Hàn là 흥부 (Heungbu).
[3] Phù thủy: là những người được cho là có năng lực siêu nhiên như bói toán, gọi hồn, giải hạn, chữa bệnh, hoặc nguyền rủa theo tín ngưỡng cổ.
Ý nghĩa trong câu chuyện về tình anh em
Câu chuyện về tình anh em ca ngợi chàng Hưng Ba tốt bụng, biết quý trọng tình anh em và phê phán người anh tên Năng Ba đã đối xử tệ với bạc với chính em trai mình, trái lời với cha dặn trước khi nhắm mắt.
Câu chuyện này được mệnh danh là nổi tiếng nhất trong các tác phẩm văn chương Triều Tiên về khoảng cách giàu nghèo, nó được lưu truyền qua rất nhiều thế hệ người Triều Tiên và thường được kể cho trẻ em buổi tối trước lúc ngủ.
Hưng Ba đã cứu giúp chú chim nhỏ bị nạn nên được bà chúa Yến tặng cho hạt bầu tiên, sinh ra những quả bầu kị lạ, mang lại cuộc sống giàu có, sung sướng cho chàng. Trái lại, người anh tên Năng Ba tham lam, đối xử với em rất tệ. Hắn không ghi nhớ lời căn dặn của cha, chiếm hết gia tài và kiếm cớ đuổi em tay không ra khỏi nhà. Về sau, hắn phải chịu những tai họa khủng khiếp: quỷ sứ ào ra phá phách nhà cửa tan hoang, rắn rết kéo đến lổm ngổm chật cả lối đi, làng xóm không ai đoái hoài.
Câu chuyện cổ tích Tình anh em đã cho thấy quan điểm triết lí cũng như sự mong ước của người xưa về cuộc sống và công bằng trong xã hội, đó là ở hiền thì gặp lành, gian tham thì bị trừng phạt.
Ở phần kết thúc, Hưng Ba sẵn sàng quên đi chuyện cũ, đón người anh về nhà cùng sống, nối lại tình anh em đã có một thời gian đổ vỡ. Đây lại là sự thể hiện chủ đề chính của câu chuyện.
Câu chuyện này có nhiều nét tương đồng với truyện cổ tích Cây khế nổi tiếng của Việt Nam, đều nói về tính cách tham lam của người anh cũng như tấm lòng hiền lành, tốt bụng của vợ chồng người em.
Thử thách trong truyện cổ tích Tình anh em
- Cha của Năng Ba và Hưng Ba dặn lại điều gì trước khi chết?
- Năng Ba đã đối xử với em như thế nào sau khi cha mất?
- Bị đuổi khỏi nhà anh, Hưng Ba sống khổ sở ra sao?
- Do tốt bụng, Hưng Ba đã cứu một con chim yến bị rắn cắn và được bà chúa Yến trả ơn như thế nào?
- Ngược lại, do tham lam, Năng Ba đã bị bà chúa Yến trừng phạt ra sao?
- Cuối cùng, vì sao tình anh em được nối lại?