Truyện cổ tích Thạch Sanh – Lý Thông
Truyện cổ tích Thạch Sanh – Lý Thông nguyên gốc là truyện viết theo thể lục bát, gồm 1812 câu, thuật lại một truyện đời xưa. Truyện do ai viết và viết từ bao giờ chưa rõ, nhưng xét theo nội dung và văn chương thì chắc là của một nhà văn bình dân.
I-Thạch Sanh xuất thân từ một gia đình lao động nghèo, từ thiện
Vợ chồng Thạch Nghĩa làm nghề đốn củi. Nhà rất nghèo mà lòng ngay thật, lại làm việc lành, xa gần đều nức tiếng khen. Hai ông bà đã ngoài sáu mươi mà chưa có lấy một mụn con. Ngọc Hoàng thương tình cho Thái tử xuống đầu thai. Thạch ông chết khi Thạch Sanh còn trong bụng mẹ. Sau ba năm chín tháng cậu bé Thạch Sanh khôi ngô, tuấn tú mới cất tiếng khóc chào đời. Thạch Sanh lên bảy tuổi thì mẹ mất.
Thạch Sanh khóc than thảm thiết. Làng nước động lòng kéo đến tống táng hộ. Từ đấy, Thạch Sanh một mình côi cút, ngày vào rừng đốn củi, tối về ngủ dưới gốc đa. Tuy sống cảnh đói khổ nhưng Thạch Sanh chẳng hề than thở. Đến năm mời ba tuổi, Sanh được tiên ông Lý Tĩnh xuống dạy võ nghệ pháp thuật và “phép trị nước” cho.
Một hôm có anh hàng rượu là Lý Thông thấy Thạch Sanh ra dáng con người được việc, bèn xin kết nghĩa anh em để lợi dụng. Về sống cùng Lý Thông, Thạch Sanh chăm chỉ làm ăn. Nhờ vậy gia đình Lý Thông ngày càng thịnh vượng.
II-Thạch Sanh chém xà tinh và bị Lý Thông cướp công
Trong miền có cái miếu thờ con trăn đã thành tinh. Mỗi năm dân làng phải hiến cho nó một mạng người. Năm ấy đến lượt nhà Lý Thông. Hay tin, mẹ con Lý khóc than. Chợt Thông nghĩ ra một kế… Hắn làm mâm cơm thật sang mời Sanh ăn rồi nhờ đi “canh” miếu thay, để hắn ở nhà cất nốt mẻ rượu.
Thạch Sanh tin lời xách búa ra đi. Đến miếu gặp Xà tinh, hai bên đánh nhau kịch liệt. Sanh hóa phép, chém được Xà tinh, chặt đầu đốt xác và thu được một bộ cung tên vàng. Đương đêm, Sanh xách đầu Xà tinh về gọi mẹ con Lý Thông. Tưởng oan hồn Thạch Sanh hiện về báo oán, mẹ con họ Lý phách lạc hồn xiêu, khấn vái rầm rì. Thạch Sanh nghe rõ sự tình mới biết mình bị lừa. Nhưng với lòng độ lượng, Sanh cứ gọi họ ra xem. Thấy đầu Xà tinh, Lý Thông nảy ra ý cướp công. Hắn dọa Sanh là đã giết vật báu của vua nuôi. Hăn bảo Sanh trốn đi để mặc hắn lo liệu.
Thạch Sanh đi rồi, Lý Thông vội tìm đến tâu vua rằng hắn đã chém được Xà tinh. Vua phong cho hắn tước đô đốc quận công. Từ đo, mẹ con gã hàng rượu được hưởng vinh hoa, phú quý, trong khi Thạch Sanh vẫn “tháng ngày kiếm củi ngồi kể gốc đa”.
III-Thạch Sanh cứu công chúa Quỳnh Nga
Công chú Quỳnh Nga dựng lầu kén chồng. Thế tử mười tám nước kéo về dự tuyển nhưng chẳng ai lọt được mắt xanh của nàng. Buồn bực, nàng dạo chơi tỏng vườn, bị chim Đại bàng sà xuống cắp đi. Thạch Sanh bắn Đại bàng bị thương. Theo dấu máu, Sanh tìm đến cửa hang.
Nhà vua lo lắng, buồn phiền vì mát con. Các đạo quân được cử đi tìm mãi vẫn không thấy. Vua bèn phán ai tìm được công chúa sẽ gả và truyền ngôi cho. Triều thần tiến cử Lý Thông.
Họ Lý cho mở hội hát đua để nhân đó dò la tin tức công chúa. Thạch Sanh đến xem hội, gặp Lý Thông, Thông niềm nở ân cần. Sanh thật bụng tin người, lại một lần nữa đi giúp hắn.
Thạch Sanh và Lý Thông kéo quân đến của hang Đại bàng. Thạch Sanh một mình leo xuống, giao hẹn rằng nghe động đầu dây thì kéo công chúa lên trước rồi thòng dây xuống cho Sanh lên. Gặp công chúa, Sanh đưa thuốc mê để nàng bỏ cho Đại bàng. Công chúa được cứu thoát đã hứa hẹn chuyện tơ duyên với Thạch Sanh.
Khi công chúa lên khỏi hang, Lý Thông bảo quân lính đưa về trước, hắn còn ở lại đánh Đại bàng. Quân đi rồi, hắn lăn đá lấp hàng hòng giết Thạch Sanh.
Bị hãm trong hang, Thạch Sanh bắn phá cung điện của Đại bàng. Chàng giết nó bà cứu được Thái tử con vua Thủy tề bấy lâu bị giam hãm.
Được Thái tử mời về Thủy cung, chàng lại đánh bại con Hồ tinh lâu nay hoành hành không ai trị nổi. Vua Thủy tề phong chàng làm quốc trạng và thưởng cho cây đàn báu. Nhớ ngày giỗ cha, Thạch Sanh từ biệt ra về. Chàng trở về gốc đa có nghĩa, có nhân, bấy lâu vì mong nhớ chàng mà ủ ê.
Còn công chúa Quỳnh Nga từ ngày được Thạch Sanh cứu thoát, không thấy bóng ân nhân của mình nên đã hóa câm. Vua cha chạy chữa, cầu cúng mãi vẫn không khỏi.
IV-Thạch Sanh mắc oan và được giải oan
Hồn Xà tinh và Đại bàng vật vờ kiếm ăn; gặp nhau mới biết cả hai đều bị Thạch sanh giết chết. Chúng tìm cách trả thù. Chúng hiện vào kho vua ăn cắp vàng bạc, vờ để cho lính canh trông thấy, rồi đem giấu ở chỗ nằm của Thạch Sanh. Quả nhiên, Thạch Sanh bị bắt bỏ ngục và Lý Thông cố tìm cách giết chàng.
Ngồi trong ngục, Sanh lấy đàn ra gảy. Tiếng đàn oán trách Lý Thông bất nghĩa, công chúa vong tình.
“Đàn kêu nghe tiếng nên xinh
Đàn kêu: tang tịch, tình tinh, tang tình
Đàn kêu: ai chém Trăn tinh
Cho mày vinh hiển dự mình quyền sang?
Đàn kêu: ai chém Xà vương?
Đem nàng công chúa triều đường về đây?
Đàn kêu: hỡi Lý Thông mày!
Cớ sao phụ nghĩa lại rày vong ân?
Đàn kêu: sao ở bất nhân?
Biết ăn quả lại quên ân người trồng!
Đàn kêu năn nỉ trong lòng
Tiếng ti tiếng trúc đều cùng như ru.
Đàn kêu: trách Hán quên Hồ
Trách Tần quên Sở, trách Ngô quên Tề.
Đàn kêu thấu đến cung Phi
Trách nàng công chúa vậy thì sai ngoa!”
Tiếng đàn vang đến tai công chúa, nàng bỗng vui tươi, “cười cười, nói nói”. Nàng nói rõ sự tình với vua cha. Thạch Sanh giải bày được nỗi oan khuất của mình và tâm địa hiểm độc của Lý Thông. Vua gả công chúa cho Thạch Sanh, phong hai lần quận công và giao Lý Thông tùy chàng xử trí.
Thạch Sanh vẫn độ lượng, tha cho Ký thông về làng làm ăn. Nhưng dọc đường mẹ con Lý bị trời đánh và bắt hóa kiếp thành con bọ hung.
V-Thạch Sanh lui binh các nước
Mười tám nước chư hầu nghe tin vua gả con gái cho anh đốn củi, bèn kéo binh tới đánh để rửa mối nhục bị công chúa coi thường.
Thạch Sanh ung dung lấy đàn thần ra gảy. Tiếng đàn chính nghĩa phân trần lẽ thiệt điều hơn; tiếng đàn khoan dung độ lượng. Quân lính mười tám nước chư hầu nghe thấu như cởi mở tấm lòng, không bụng dạ nào mà đánh nhau, đành quy hàng.
Khi các nước chư hầu xin lương ăn để rút quân, Thạch Sanh cho một niêu cơm. Quân tướng ngồi vào ăn thử, ăn vơi rồi lại đầy. Quân mười tám nước ăn đã no nê mà niêu cơm chẳng hết. Quân tướng càng kính phục.
Nhân đủ mặt chư hầu, vua truyền ngôi cho Thạch Sanh. Thạch Sanh sửa sang việc nước; bốn phương an hưởng thái bình.
Truyện Thạch Sanh – Lý Thông
Nguồn: Văn học trích giảng lớp 7 – phổ thông, trang 79 – NXB Giáo Dục Giải Phóng – 1973
– TheGioiCoTich.Vn –
[alert style=”danger”]
[button url=”https://thegioicotich.vn/truyen-co-tich/” style=”danger”]➤ Khám phá thế giới cổ tích[/button]
[/alert]