Truyện Trạng Quỳnh và sứ thần

Giới thiệu truyện Trạng Quỳnh và sứ thần

Truyện Trạng Quỳnh và sứ thần là câu chuyện dân gian Việt Nam đề cao truyền thống bất khuất và tài trí thông minh của nhân dân ta trong việc đấu tranh chống uy quyền nước lớn thời xưa.

Chế độ phong kiến Trung Quốc thường sang đe dọa nước ta và bắt nhân dân ta phải phục tùng uy quyền nước lớn của chúng. Nhưng nhân dân ta với truyền thống yêu nước nồng nàn, luôn kiên quyết đấu tranh đã làm thất bại mọi thủ đoạn hống hách của chúng.


1. Ngày xưa, có vua một nước lớn ở phương Bắc cử một viên quan trong triều đi sử ở một nước nhỏ phương nam để bắt nước này phải quy phục mình.

Bữa đó, khi sang tới đất kinh đô[1], đến trước cổng Ngọ môn khép kín, viên sứ không chịu vào lối cổng bên, lại ngạo mạn bảo với đám quân lính bảo vệ cung vua:

– Lũ các ngươi lập tức phải mở ngay cổng chính Ngọ môn[2] ra để rước ta vào! Ta sang đây gặp vua các ngươi theo lệnh của Đức đại đế bên Thiên triều[3] đây, các ngươi có biết không?

Một bác lính canh râu rậm bèn trả lời:

– Thưa quan sứ, cổng chính Ngọ môn này chỉ dành riêng cho Đức hoàng thượng của chúng tôi ra vào! Còn tất cả mọi người trong thiên hạ từ quan to đến quan nhỏ trong triều, cho đến họ hàng thân thích nhà vua cũng đều vào theo lối cổng bên này và ra theo lối cổng bên kia, ai dám đặt chân vào cổng chính Ngọ môn lập tức sẽ bị chém đầu!

Viên sứ đùng đùng nổi giận thét lên:

– A ha! Vua tôi lũ bay quả là hỗn xược! Ta đường đường là sứ thần của Thiên quốc đã từng xưng hùng xưng bá ở phương Bắc xưa nay, lẽ nào ta lại không bằng một anh vua nhép ở cái xứ phương Nam nhỏ bằng cái lỗ mũi này hay sao!

Bác lính canh râu rậm liền đáp lại:

– Dám thưa quan sứ, nước lớn có vua nước lớn, nước nhỏ cũng có vua nước nhỏ. Đã là vua một nước thì ở đâu cũng gọi là vua cả! mà đã là sứ thần bất cứ nước nào thì dù chui vào cái lỗ mũi cũng chỉ là sứ thần, sao lại đem sánh với vua được! Bởi vậy, thưa quan sứ, nước chúng tôi tuy nhỏ nhưng đời nào cũng giữ vững kỉ cương[4] và chỉ có một Đức hoàng thượng chứng tôi ra, không thể có người thứ hai ra vào cổng chính Ngọ môn này được!

Biết giở thói hống hách nước lớn không được, viên sứ bèn quay ra ngồi lì ở quán tạm trú phía ngoài Ngọ môn.

Truyện Trạng Quỳnh
Truyện Trạng Quỳnh

2. Đang ngồi bó gối ôm mối tức tối trong lòng, viên sứ chợt thấy anh chàng lái đò đánh chiếc quần cộc, ban sáng mới chở đò cho hắn qua sông để sang kinh đô, bỗng ở đâu lù lù lại xuất hiện. Hắn chột dạ nghĩ bụng: Ừ, thằng cha này lúc sáng dám ngang nhiên đối đáp ăn miếng trả miếng với mình, làm cho mình bị ngượng mặt với gã đây mà! Bây giờ gã lại đến định giở trò gì đây!

Còn đang băn khoăn lo lắng, viên sứ bống thấy anh lái đò cười khẩy và nói với hắn: “Này! Quan sứ ngồi bó gối làm gì đấy? Đi dạo chơi kinh đô một lát cho đỡ buồn đi!… À, đố quan sứ đuổi kịp tôi đấy!”. Nói chưa dứt lời, anh chàng vớ luôn chiếc cán chổi lông gà thẳng cánh vụt cho quan sứ một vụt đau điếng rồi co cẳng bỏ chạy. Điên tiết, viên sứ tức tốc đuổi theo, quyết chẻ xác gã ra phen này cho hả giận. Anh chàng lái đò cứ thoăn thoắt chạy ngang chạy dọc lúc gần lúc xa làm cho qua sứ càng lồng lộn chạy rấn thêm quyết bắt cho kì được. Thế rồi, đột nhiên anh lái đò chợt dừng lại vỗ tay đôm đốp và reo ầm lên: “A ha! Sứ thần phương Bắc đã vào trong cung để bái yết Đức hoàng thượng rồi! Anh em ơi!”. Viên sứ giật mình đứng sững lại. Thì ra trong lúc đang sôi máu đuổi bắt anh lái đò, quan sữ đã hộc tốc rượt theo chân anh ta chạy tọt qua lối cổng bên để vào trong cung mất rồi! Chẳng lẽ bây giờ đành chui ra lối cổng ấy lần nữa để khăng khăng đòi vào cổng chính Ngọ môn cho rõ oai phong của sứ thần một nước lớn hay sao!…

Anh chàng lái đò đánh chiếc quần cộc có vẻ quê mùa kia với bác lính canh râu rậm té ra cũng chỉ là một: đó là ông Trạng Quỳnh, một người nổi tiếng học giỏi và thông minh, lanh lợi cuối đời Lê, được nhà vua sau ra đón viên sứ phong kiến Trung Quốc kiêu ngạo, hống hách kia khi hắn đặt chân tới đất kinh đô Thăng Long này.

Đỗ Quang Lưu kể
(Dựa theo truyện dân gian Việt Nam)

Chú thích trong câu chuyện Trạng Quỳnh và sứ thần

  1. Kinh đô: thành phố trung tâm nơi vua chúa ở trong thời phong kiến.
  2. Ngọ môn: cửa chính của hoàng thành trong có cung vua.
  3. Thiên triều: Thiên quốc: triều đình của nhà Trời, nước của nhà Trời (cách tự xưng của phong kiến Trung Quốc ngày xưa đối với các nước nhỏ).
  4. Kỉ cương: phép tắc của một nước.

Câu hỏi gợi ý cho bé trong truyện Trạng Quỳnh và sứ thần

  1. Viên sứ phương Bắc sang tới kinh đô nước nhỏ ở phương Nam đã tỏ thái độ hống hách như thế nào?
  2. Hắn đã bị bác lính già canh cổng Ngọ môn đối đáp ra sao?
  3. Anh lái đò ấy là ai? Viên sứ đó ở nước nào tới?

[alert style=”success”]Đừng quên kể cho bé nghe những câu chuyện lịch sử hấp dẫn

➤ XEM NGAY TẠI ĐÂY![/alert]

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.