Bài thơ Ngày hội rừng xanh [Thơ cho bé]

Bài thơ Ngày hội rừng xanh [Vương Trọng]

Bài thơ Ngày hội rừng xanh của tác giả Vương Trọng đã vẽ lên bức tranh hoạt động rất sinh động, đáng yêu của các con vật, sự vật trong Ngày hội rừng xanh.

Chim gõ kiến nổi mõ
Gà rừng gọi vòng quanh
Sáng rồi, đừng ngủ nữa
Nào, đi hội rừng xanh!

Tre, trúc thổi nhạc sáo
Khe suối gảy nhạc đàn
Cây rủ nhau thay áo
Khoác bao màu tươi non.

Công dẫn đầu đội múa
Khuớu lĩnh xướng dàn ca
Kỳ nhông diễn ảo thuật
Thay đổi hoài màu da.

Nấm mang ô đi hội
Tới suối, nhìn mê say:
Ơ kìa, anh cọn nước
Đang chơi trò đu quay!

Tác giả: Vương Trọng
Nguồn: Tiếng Việt 3, tập 2, trang 62, NXB Giáo dục Việt Nam – 2019

Chú giải trong bài thơ

[1] Chim gõ kiến: loài chim có mỏ nhọn, dài và cứng, dùng mỏ gõ vào thân cây tìm kiến để ăn.
[2] Lĩnh xướng: hát đơn ca một câu, một đoạn trong dàn đồng ca.
[3] Kì nhông: loài thằn lằn có thể thay đổi màu da.
[4] Cọn nước: vật hình bánh xe có gắn một hệ thống ống bằng tre, nứa, có thể tự quay được nhờ sức nước, dùng để đưa nước từ suối, sông lên tưới ruộng.

Cảm nhận bài thơ Ngày hội rừng xanh

Trong rừng muôn vật rất phong phú, mỗi sự vật có vẻ riêng. Mỗi buổi sáng, chúng thi nhau lên tiếng, khoe tài khoe sắc. Quan sát hình ảnh ấy và bằng sự liên tưởng ngộ nghĩnh, nhà thơ cho ta thấy mỗi một buổi sáng, rừng xanh lại vui như hội. Và mỗi loài đóng góp bằng vẻ riêng độc đáo của mình.

Nhìn thiên nhiên bằng đôi mắt trẻ thơ, nhà thơ làm cho mọi sự vật đều trở nên có hồn, chúng như nghe được tiếng nói của nhau, hưởng ứng lẫn nhau, tạo nên một ngày hội vui vẻ – Ngày hội rừng xanh.

Những bài thơ hay cho trẻ mầm non

Còn rất nhiều những bài thơ hay cho trẻ mầm non được Thế giới cổ tích sưu tầm và biên soạn, giúp các bé phát triển khả năng ngôn ngữ cũng như góp phần làm phong phú hơn tâm hồn trong sáng của các bạn nhỏ về cuộc sống xung quanh và gắn kết tình cảm gia đình.