Sao không về, Vàng ơi! [Thơ Trần Đăng Khoa]

Bài thơ Sao không về, Vàng ơi!

Sao không về, Vàng ơi! là bài thơ Trần Đăng Khoa viết về tình cảm yêu mến, tiếc thương dành cho chú chó của mình bị mất khi bom đạn giặc Mỹ trút xuống.

Tao đi học về nhà,
Là mày chạy xồ ra.
Đầu tiên mày rối rít
Cái đuôi mừng ngoáy tít,
Rồi mày lắc cái đầu,
Khịt khịt mũi, rung râu,
Rồi mày rún chân sau,
Chân trước chồm, mày bắt
Bắt tay tao rất chặt.
Thế là mày tất bật
Đưa vội tao vào nhà;
Dù tao đi đâu xa
Cũng nhớ mày lắm đấy.

Hôm nay tao bỗng thấy
Cái cổng rộng thế này!
Vì không thấy bóng mày
Nằm chờ tao trước cửa
Không nghe tiếng mày sủa
Như những buổi trưa nào,
Không thấy mày đón tao
Cái đuôi vàng ngoáy tít,
Cái mũi đen khịt khịt
Mày không bắt tay tao,
Tay tao buồn làm sao!

Sao không về hả chó?
Nghe bom thằng Mỹ nổ
Mày bỏ chạy đi đâu?
Tao chờ mày đã lâu
Cơm phần mày để cửa.
Sao không về hả chó?
Tao nhớ mày lắm đó
Vàng ơi là Vàng ơi!…

Kỷ niệm ngày mất chó
03-04-1967
Bài thơ Sao không về, Vàng ơi!

Tác giả: Trần Đăng Khoa

Bài thơ Sao không về, Vàng ơi!
Bài thơ Sao không về, Vàng ơi!

Giới thiệu nhà thơ Trần Đăng Khoa

Trần Đăng Khoa sinh ngày 26 tháng 4 năm 1958, quê làng Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Từ nhỏ, ông đã được nhiều người cho là thần đồng thơ văn. Lên 8 tuổi, ông đã có thơ được đăng báo. Năm 1968, khi mới 10 tuổi, tập thơ đầu tiên của ông: Từ góc sân nhà em (tập thơ tiếp theo là Góc sân và khoảng trời) được nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản.

Có lẽ tác phẩm nhiều người biết đến nhất của ông là bài thơ Hạt gạo làng ta, sáng tác năm 1968. Bài thơ này được thi sĩ Xuân Diệu hiệu đính, sau được nhạc sĩ Trần Viết Bính phổ nhạc (1971).

Ông ba lần được tặng giải thưởng thơ của báo Thiếu niên Tiền phong (các năm 1968, 1969, 1971), Giải nhất báo Văn nghệ (1982) và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2001).

Đôi nét về bài thơ Sao không về, Vàng ơi!

Bài thơ Sao không về, Vàng ơi! được Trần Đăng Khoa viết năm 1967, khi nhà thơ mới là một cậu bé 9 tuổi, học trường làng ở Nam Sách, Hải Dương.

Bài thơ lần đầu được in trên báo Văn nghệ, ở góc thơ Nhi đồng và được nhà thơ Phạm Hổ sửa một vài câu. Đó là câu “Chó ơi là chó ơi!” được sửa thành “Vàng ơi là Vàng ơi!”, tên bài thơ “Mất chó” cũng được đổi thành “Sao không về, Vàng ơi!”.

Ngay chính Trần Đăng Khoa cũng cho rằng: “Chỉ thay đổi vài chữ thôi, mà bài thơ hay hơn hẳn.” Nhà thơ nói, câu kết ban đầu của mình Chó ơi là chó ơi! quá là thật thà, nếu không muốn nói là ngây ngô, bởi dù bạn có đúng là con chó thật thì kêu như thế thật không ổn. Khi được chữa thành Vàng ơi là Vàng ơi, từ một tiếng gọi bình thường đã chuyển thành tiếng khóc và tình cảm của bài thơ cũng được nâng lên rất nhiều. Chữ “Vàng” được nhà thơ Phạm Hổ đổi thành chữ hoa, như một tên riêng, như một người bạn quý giá, chẳng khác gì vàng đã góp phần khiến bài thơ độc đáo, có hồn hơn bao giờ hết.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa khi lên 8 tuổi
Nhà thơ Trần Đăng Khoa khi lên 8 tuổi

Một điều thú vị là gia đình cậu bé Khoa nuôi một con chó mực đen tuyền, chứ không hề có chút màu vàng nào. Và sau khi bài thơ được in trên báo mấy hôm thì con mực đột ngột trở về. Trần Đăng Khoa cho biết, lúc đó đã giữa đêm, ông đang ngủ thì nghe tiếng cào cào cửa, rồi tiếng sủa. Ông chạy ra mở cửa thì đúng là nó thật! Mừng quá, đêm ấy nhà thơ 9 tuổi ngồi viết tiếp bài “Chó về”. Nhưng mà đó là một bài thơ mà theo tác giả tự nhận là… quá dở, và ông không dám cho ai đọc.