Câu chuyện Con Sư Tử già và người thợ rừng
Con Sư Tử già và người thợ rừng là truyện ngụ ngôn Bulgaria, đề cao trí tuệ của con người trong việc chế ngự và diệt trừ các loài thú to khỏe, hung dữ.
1. Sư Tử già khoe khoang sức mạnh
Một con Sư Tử già đi thăm các thú vật trong rừng. Nó bước đi khệnh khạng và hát:
Dưới vòm trời bao la
Kẻ nào mạnh hơn ta?
Trên trái đất bao la
Kẻ nào mạnh hơn ta?
Không, không! Chẳng có kẻ nào
Chính ta mới thực anh hào đời nay!
Sư Tử đang đi nghêu ngao hát thì gặp một con Gấu già. Con Gấu này thọt một chân vì ngày trước đã bị Người giáng cho một búa, may thoát chết. Gấu già thấy Sư Tử hát, liền hát đáp:
Này này chớ có khua môi
Chính Người còn mạnh gấp mười, gấp trăm!
Sư Tử nhảy một cái thật cao, gầm rít:
– Nó ở đâu? Ta muốn được thấy nó. Ta muốn được đọ sức để thi tài cao thấp với nó một phen!
– Anh muốn gặp Người thì có khó gì. Cứ xuống đồng bằng, ở đấy anh sẽ thấy rõ.
2. Sư Tử già đi tìm Người đọ sức
Sư Tử nhảy ra khỏi rừng, hộc tốc chạy một mạch về phía đồng bằng.
Trên đường đi, Sư Tử gặp một chú Ngựa, ở cổ có một sợi dây buộc, đang đứng bên gốc cây ăn cỏ.
Sư Tử quát:
– Này! Đồ nhãi nháp ăn cỏ kia! Tên ngươi là gì, hãy nói cho ta rõ?
– Anh chưa biết tôi à? Tôi là Ngựa.
– Sao cổ nhà ngươi lại bị kẻ nào buộc dây thế kia?
– Người.
– Người à? Nó đâu rồi?
– Họ đi vào rừng để kiếm củi rồi!
Sư Tử nghĩ: “Quái lạ! Người là giống vật hình thù như thế nào nhỉ? Có lẽ không thể coi thường nó được”.
Sư Tử lại đi về phía rừng, đủng đỉnh bước một, không nôn nóng như lúc nãy nữa. Đến cửa rừng, Sư Tử thấy một cái xe chất đầy củi và gần đấy có hai con trâu mộng, dáng to lớn.
– Các ngươi là ai vậy? – Sư Tử hỏi.
– Chúng tôi à? Trâu! Trâu!
– Trâu à? Thế đợi ai vậy?
– Người! Người sắp tới để đóng chúng tôi vào xe và kéo xe củi về.
– Thế còn Người thì nó làm gì?
– À! Họ sai bảo chúng tôi, ung dùng nhàn hạ và ngồi trên xe thổi sáo.
– Thế Người đâu rồi?
– Ở đằng kia, phía sau mấy rặng cây ấy!
3. Con Sư Tử và người thợ rừng thi tài
Sư Tử đi về phía mấy rặng cây để tìm Người. Trong lúc đó, người thợ rừng đã hì hục đào xong cái hố và che đậy kín đáo trên miệng hố bằng những cành cây để bẫy thú vật.
Sư Tử tiến lại phía sau người thợ rừng và gầm một tiếng dữ dội để ra oai. Người thợ rừng bất thình lình quay lại, thấy con Sư Tử, vẻ luống cuống hiện rõ trên nét mặt.
– Trời ơi! Một con Sư Tử! Làm thế nào bây giờ?
Người thợ rừng nhìn nhanh bốn phía, tìm xem có ai để cầu cứu. Nhưng không có một ai. Anh ta nghĩ: “Làm thế nào để thoát khỏi tai họa. Ta phải dùng mưu trí vậy”. Anh bèn hỏi Sư Tử:
– Ngươi đến gặp ta có việc gì?
– Ta đến để đấu sức với nhà ngươi một phen.
– Thế nào?
– Chúng ta sẽ đấu sức vói nhau, xem kẻ nào mạnh hơn!
– À, được! Đấu sức thì có khó gì? Nhưng trước khi đấu sức, ta hãy xem ai nhảy xa đã chứ?
– Nhảy xa à? Hừm! Tốt lắm! Thế bắt đầu ngay đi!
Người thợ rừng lấy đà và nhảy. Anh ta nhảy vừa đúng đến bờ hố sâu đã che kín, có hòn đá đặt sẵn để làm dấu. Nhảy xong, người thợ rừng đứng về một bên.
– Xoàng lắm! Bây giờ đến lượt ta. Hãy mở to mắt ra mà xem này!
Sư Tử lùi lại lấy đà. Phốc một cái, nó nhảy xa hơn, đúng vào giữa miệng hố. Sư Tử bị thụt xuống hố đã cắm chông, không tài nào lên được. Người thợ rừng ung dung lấy cây nứa nhọn hoắt đã vót sẵn đâm chết Sư Tử, rồi dùng dây kéo nó lên, lột lấy bộ da. Với bộ da Sư Tử, người thợ rừng sẽ may một chiếc áo khoác, oai vệ như một vị chúa tể.
Con sư tử già và người thợ rừng – Truyện ngụ ngôn Bulgaria
Nguồn: Kể chuyện 2, trang 143, NXB Giáo dục – 1982
– TheGioiCoTich.Vn –
Chú thích trong truyện Con Sư Tử già và người thợ rừng
[1] Khệnh khạng (đi) lấy dáng oai vệ của bề trên.
[2] Anh hào: kẻ tài giỏi hơn người.
[3] Thọt: có một cái chân teo đi và ngắn hơn chân kia.
[4] Khua môi: (khua môi múa mép) ba hoa, khoác lác.
[5] Hộc tốc: (chạy) vội vã một mạch.
[6] Đủng đỉnh: (đi) thong thả, chậm chạp, không một chút vội vã.
[7] Nôn nóng: nóng nảy vội vã; thiếu sự kiên nhẫn, bình tĩnh.
[8] Mộng: (trâu, bò) thuộc giống to lớn, mập mạp.
[9] Nhàn hạ: rỗi rãi.
[10] Bẫy: lừa cho mắc vào bẫy (dụng cụ để nhử loài vật vào để bắt).
[11] Tai họa: điều thiệt hại lớn, hoặc gây nguy hiểm đến tính mạng.
[12] Phốc: (nhảy) mạnh hết sức.
[13] Chông: que sắt nhọn hoặc que tre nhon cắm ở quãng đường hoặc ở khoảnh đất cằn ngăn kẻ địch đi qua (hoặc cắm ở hố để bẫy thú dữ…).
[14] Chúa tể: người có oai quyền và sức mạnh lớn nhất.
Ý nghĩa câu chuyện Con Sư Tử già và người thợ rừng
Truyện ngụ ngôn Con Sư Tử già và người thợ rừng của Bulgaria có nhiều nét rất giống với câu chuyện Trí khôn của ta đây của Việt Nam. Cả hai đều đề cao sức mạnh trí tuệ và cho chúng ta thấy vì sao con người nhỏ bé có thể sai khiến được muôn loài và làm chủ thiên nhiên.