Người thợ dệt thảm [Truyện cổ tích Ấn Độ]

Câu chuyện Người thợ dệt thảm

Người thợ dệt thảm là truyện cổ tích Ấn Độ, ca ngợi những người lao động chân chính. Lao động đem lại niềm vui, hạnh phúc cho chính bản thân và mọi người.

1. Xa-ca gặp thần Núi

Tại một thành phố ở miền nam Ấn Độ có một người thợ dệt thảm [1] tên là Xa-ca. Anh dệt rất khéo, nhưng cả năm mới dệt xong được một tấm, vì thế mà nghèo lắm.

Một hôm, sắp dệt xong một tấm thảm đẹp thì khung cửi bỗng bị gãy. Anh vác búa đi tìm một cây gỗ thật chắc để chữa lại. Anh đi khắp nơi nhưng chưa tìm được một cây gỗ nào vừa ý. Hôm sau, đến khu rừng nọ, anh thấy một cây dương liễu vàng, cao to, cành lá sum sê, gỗ thật chắc. Anh rất mừng, giơ búa toan chặt. Bỗng có tiếng kêu:

– Ta là thần Núi đây. Cây dương liễu này là nhà của ta, ngươi không được chặt!

Người thợ dệt thảm ngừng tay phân vân. Nghĩ đến cái khung cửi hỏng liền năn nỉ:

– Nếu không có gỗ tốt chữa khung cửi thì tấm thảm của tôi sẽ không dệt xong, cả nhà tôi sẽ chết đói. Tốt hơn hết là ngài nên dọn nhà đi chỗ khác để tôi chặt cây.

Thần Núi trả lời:

– Không được! Ngươi không được đụng đến nhà của ta! Ngươi cần gì cứ bảo, ta sẽ cho ngươi được như ý.

Anh thợ dệt suy nghĩ và nói với thần Núi rằng anh cần về bàn với vợ xem sao đã, rồi sẽ trả lời sau.

2. Điều ước của Người thợ dệt thảm

Anh vội vã ra về. Giữa đường, gặp một người bạn thân. Người bạn nghe chuyện liền mách nước [2].

– Theo ý tôi, hãy bảo thần Núi cho anh được làm vua. Anh làm vua, tôi sẽ làm tể tướng [3]. Thế là chúng ta sẽ được hưởng giàu sang.

Người thợ dệt thảm trả lời:

– Anh nói cũng phải. Nhưng để tôi cũng phải về bàn với vợ tôi đã.

Nói xong, anh đi một mạch về nhà thuật lại cho vợ nghe. Vợ anh trả lời:

– Bạn của anh chẳng hiểu gì cả. Chớ nên nghe lời hắn. Làm vua lo nghĩ nhiều, nhọc lòng lắm. Anh không biết là xung quanh một ông vua có biết bao những bọn xu nịnh [4] và phản nghịch [5]. Làm vua chẳng sung sướng gì. Chi bằng đến nói với thần Núi giúp chúng ta có một khung cửi tốt, muốn dệt bao nhiêu sẽ có bấy nhiêu, mà toàn là thứ hàng tuyệt đẹp.

Người thợ dệt thảm nghe lời vợ. Anh trở lại chỗ thần Núi, vừa đi, vừa nghĩ: nếu thần Núi giúp ta một chiếc khung cửi kì diệu như vậy thì đối với ta có gì là vui sướng đâu! Những tấm thảm sẽ do khung cửi của thần dệt ra. Mình chỉ là người vác tấm thảm đi bán lấy tiền ư? Sông như vậy có gì là sung sướng?

Nghĩ vậy, anh thấy không vui, nên khi đến chỗ cây dương liễu, anh nói:

– Thần đã không muốn tôi ngả cây gỗ này thì nhờ thần chữ hộ tôi cái khung cửi, và giúp tôi dệt được nhanh hơn, đẹp hơn.

Thần Núi đáp:

– Được lắm, ta sẽ giúp anh như ý muốn.

3. Giá trị của sự lao động chân chính

Người thợ dệt thảm về đến nhà thì thấy khung cửi đã sửa chữa xong.

Anh ngồi vào dệt, dệt say sưa, nhanh hơn trước rất nhiều. Chẳng mấy chốc tấm thảm đã xong. Anh sung sướng thấy hàng do bàn tay mình làm ra thật tuyệt đẹp. Anh mang đi bán khắp nơi. Nghề của anh được nhiều người ca tụng. Tên tuổi của anh được mọi người biết đến.

Sau khi anh mất, người dân vẫn nhớ mãi những tấm thảm chắc, bền, do bàn tay khéo léo của anh thợ Xa-ca dệt ra.

 

Câu chuyện Người thợ dệt thảm – Truyền cổ tích Ấn Độ
Nguồn: Truyện đọc 3, trang 91, NXB Giáo dục – 2001
– TheGioiCoTich –

Câu chuyện Người thợ dệt thảm
Câu chuyện Người thợ dệt thảm

Chú thích trong câu chuyện

[1] Thảm: đồ dùng dệt bằng lông hoặc sợi đay, cói để trải bàn hoặc trải sàn nhà.
[2] Mách nước: bày cách cho mà làm.
[3] Tể tướng: chức quan cao nhất trong triều đình phong kiến ngày xưa.
[4] Xu nịnh: tâng bốc kẻ có quyền thế hay giàu có để cầu danh lợi.
[5] Phản nghịch: chống lại. Ý trong truyện: mưu hại vua để tranh giành quyền lực.

Thử thách trong truyện Người thợ dệt thảm

  1. Đang dệt thảm, anh thợ dệt gặp trắc trở gì? Anh đi đâu và gặp ai?
  2. Người bạn mách nước cho anh như thế nào? Người vợ bàn với anh những gì? Anh suy nghĩ ra sao?
  3. Gặp lại thần Núi, người thợ dệt thảm nói gì? Được thần Núi giúp, anh ta làm việc như thế nào và sung sướng ra sao?