Damb’ri (Đam Bơ-ri) – Truyện cổ tích dân tộc M’nông

Câu chuyện Damb’ri (Đam Bơ-ri)

Damb’ri (Đam Bơ-ri) là truyện cổ tích của người M’nông, ca ngợi chàng trai nghèo Damb’ri (Đam Bơ-ri) đã dũng cảm chống lại ách áp bức tàn bạo của vua Prum.

1. Vua Prum tàn bạo

Xưa kia, từ lâu lắm, ở vùng Tây Nguyên có thác Buk So (Búc So) reo vui ca hát đêm ngày. Nhưng vua Prum (Pơ-rum) ở gần đó không thích nghe tiếng thác. Lão bảo tiếng thác reo làm lòng dạ lão rất khó chịu, ăn không ngon, ngủ không yên. Lão ra lệnh cho quân lính bắt dân làng phải phá đá cho thác nước xuôi êm, dập  tắt tiếng thác reo, cho yên giấc ngủ của vua.

Thế là hàng trăm nhà bị đốt phá, hàng ngàn trâu bò, lợn gà bị giết thịt. Biết bao người đã chết vì roi đòn, vì đói, vì đá rơi, xác họ bị vứt xuống nơi thác đổ. Nước căm giận trào lên, sủi bọt đỏ ngầu máu.

2. Chàng trai nghèo khổ tìm cách cứu buôn làng và hồ nước kỳ lạ

Trong đám dân làng có một chàng trai nghèo khổ, thấy cảnh buôn làng tang tóc bèn bỏ trốn đi. Chàng chỉ mang theo chiếc gùi, mấy nắm gạo, một thanh gươm, một chiếc nỏ và một con chó. Chàng đi, đi mãi, chỉ nghĩ một điều: đi tìm cách báo thù cho buôn làng.

Một hôm, chàng đi đến bên hồ nước trong veo. Con chó bỗng cất tiếng sủa. Nhìn quanh không thấy bóng chim, một dấu thú rừng, chàng xua, giục chó tiếp tục đi. Chó không chịu đi, càng sủa dữ như một con chó dại. Xua mãi không được, chàng giận con chó không biết nghe lời chủ, liền đá con chó xuống nước rồi bỏ đi. Qua bao nhiêu núi, bao nhiêu rừng, chàng vẫn nghe tiếng chó sủa bên tai. Chàng nổi giận, quay lại hồ nước, rút gươm chém con chó

Lạ thay! Chó không chết mà gươm quằn lại như chém phải đá. Chàng chém mạnh hơn. Thanh gươm tóe lửa, bật lại. Con chó vẫn trơ trơ, ve vẩy đuôi vẻ mừng rỡ. Chàng trai kinh ngạc, nhúng tay xuống hồ nước rồi vung gươm chém thử vào tay. Thanh gươm gãy đôi. Biết là nước quý, chàng bèn nhảy xuống hồ tắm, rồi vẫy gọi chó trở về cứu dân làng.

Gạo hết nhưng bụng vẫn không thấy đói. Chân chàng vượt suối băng rừng nhanh như gió cuốn. Chàng muốn đọ sức ngay với kẻ thù.

3. Cuộc chiến dữ dội

Thác Buk So đây rồi. Dân làng thân yêu đang bị quân lính đánh đập, thúc ép. Chàng xăm xăm bước tới, thét lớn:

– Sao các người dám đánh dân làng?

Bọn lính gầm lên

– Đứa nào vừa nói? Bắt lấy nó!

Chúng nhận ra chàng và hùng hổ xông vào. Chàng cứ đứng yên cho chúng chém. Bao nhiêu gươm dao tua tủa đâm chém vào chàng như chém vào đá. Gươm cái oằn, cái gãy. Chàng vẫn đứng sừng sững như ngọn núi.

Bọn lính hoảng quá, tưởng chàng là một vị thần, vội vã bỏ chạy tán loạn. Chàng trai giật lấy một thanh gươm đuổi theo chúng, chém tới tấp khiến chúng chết như ngả dạ.

Chàng đuổi chúng bảy ngày bảy đêm, tới tận kinh thành [1] vua Prum. Lính gác cản không cho chàng vào và báo lên vua Prum. Vua hoảng quá, cho quân lính ra vây đánh. Trăm đứa ra chết cả trăm, nghìn đứa ra chết cả nghìn. Nhưng quân lính đông như kiến, một mình chàng chống cự không xuể. Cuối cùng chúng hò nhau lấy dây sắt trói chàng lại, chất củi đốt.

Ngọn lửa bốc cao, đỏ rực cả góc trời, chàng vẫn thản nhiên nhìn những lưỡi lửa liếm vào thân mình. Lửa cháy rần rật. Người chàng dần dần đỏ rực lên như sắt nung, ánh sáng tỏa ra sáng chói cả một vùng.

Bao nhiêu dây trói đứt tan, chảy ra nước hết. Chàng xông tới đám quân lính, dang rộng hai tay ôm chặt lấy chúng. Kẻ thù cháy bùng lên như mồi lửa. Chàng ôm cả nhà cửa, thành quách, lâu đài [2]. Cả kinh đô nước Prum chìm trong biển lửa.

4. Buôn làng kính phục và mãi mãi nhớ ơn Damb’ri (Đam Bơ-ri) dũng cảm.

Bọn lính độc ác thực hiện một kế cuối cùng: chúng liều chết vây bắt trói chàng, lấy một cây gậy sắt dài, uốn cong móc vào bụng chàng. Chàng trai ngã xuống như dòng thác Búc So đổ. Chàng chết vì đã quên không uống nước ở hồ thần. Thân hình chàng bốc khói, ngọn lửa căm thù còn cháy trong tim chàng, không sao dập tắt được.

Dân làng mãi mãi thương nhớ chàng trai. Họ đặt tên chàng là Damb’ri (Đam Bơ-ri) [3] tức chàng Rừng, người con của đất nước.

Ngày nay tới vùng Đắk Nông, ta vẫn còn thấy dòng thác Buk So hùng vĩ ầm ầm chảy, như hát vang lên mãi bản anh hùng ca [4] của dân tộc M’nông.

Damb’ri (Đam Bơ-ri) – Truyện cổ M’nông
Nguồn: Kể chuyện cho học sinh lớp 3, trang 9, NXB Giáo dục – 1978
– TheGioiCoTich.Vn –

Chú giải trong câu chuyện Damb’ri (Đam Bơ-ri)

[1] Kinh thành: nơi đóng đô của vua chúa dưới thời phong kiến.
[2] Lâu đài: tòa nhà to lớn, đẹp đẽ.
[3] Damb’ri (Đam Bơ-ri): tiếng M’nông: Đam có nghĩa là chàng, Bơ-ri nghĩa là rừng núi. Đây là cách dùng hình ảnh quen thuộc đặt tên cho người dũng sĩ của bộ tộc, để tỏ lòng kính trọng, thân thiết.
[4] Anh hùng ca: bài thơ, bài văn, bài hát ca ngợi sự nghiệp anh hùng.

Thử thách trong truyện Damb’ri (Đam Bơ-ri)

  1. Vì sao vua Prum bắt dân phá thác? Bị dồn đi phá thác, dân làng chịu cảnh khổ như thế nào?
  2. Trước cảnh khổ của dân làng, chàng trai đã làm điều gì? Điều gì xảy ra khi chàng trai gặp hồ nước kì lạ? Sau khi tắm ở hồ nước đó, chàng trai đã làm gì?
  3. Hãy kể lại cuộc chiến đấu giữa chàng trai và bọn lính của vua Prum.
  4. Ngày nay ở Đắc Lắk còn dấu tích gì ghi lại chiến công anh hùng đó?

Ý nghĩa câu chuyện về chàng trai Damb’ri (Đam Bơ-ri)

Damb’ri (Đam Bơ-ri) là câu chuyện được lược kể theo truyện cổ dân gian của dân tộc M’nông – một trong những dân tộc miền núi ở Tây Nguyên, ca ngợi chàng trai nghèo khổ Damb’ri (Đam Bơ-ri) đã dũng cảm đứng lên chống lại ách áp bức tàn bạo của vua Prum, giành lại cuộc sống yên vui cho buôn làng. Hành động hy sinh cao quý đó đã khiến cho mọi người cảm phục và mãi mãi ghi nhớ công ơn của chàng.

Vua Prum bạo ngược, bọn lính tàn ác đã gây cho dân làng bao cảnh tang tóc. Chàng Đăm Bơ-ri bất chấp mọi nguy hiểm, dũng cảm chiến đấu chống lại chúng bảo vệ dân làng. Tấm gương anh hùng đó sống mãi và trở thành niềm tự hào về truyền thống đấu tranh kiên cường chống áp bức của dân tộc M’nông.

Ngoài ca ngợi tinh thần dũng cảm, nội dung câu chuyện còn lên án hành động bạo ngược của giai cấp thống trị trong xã hội cũ.

Đôi nét về dân tộc M’nông

Người M’nông là một trong 54 dân tộc tại Việt Nam, sống tập trung ở phía nam tỉnh Đắk Lắk, một phần tỉnh Lâm Ðồng và Sông Bé.

Xã hội truyền thống của người M’nông còn bảo lưu những dấu ấn khá sâu đậm của chế độ mẫu hệ. Người phụ nữ đóng vai trò chủ động trong hôn nhân. Sau lễ cưới, người con trai thường ở bên nhà vợ. Con cái sinh ra đều theo dòng họ mẹ và quyền thừa kế tài sản đều thuộc về những người con gái trong gia đình.

Trang phục truyền thống của người đàn ông M’nông ngày xưa là đóng khố, áo chui đầu. Hiện nay trang phục này chỉ sử dụng trong các dịp lễ hội. Phụ nữ M’nông mặc váy quấn buông dài trên mắt cá chân. Khố, váy và áo của người M’nông có màu chàm thẫm, được trang trí bằng các họa tiết hoa văn truyền thống, màu đỏ rất đẹp mắt.

Người M’nông ở Buôn Ðôn (còn gọi Bản Đôn – cách gọi của người Lào) có nghề săn và thuần dưỡng voi nổi tiếng. Chúng ta hãy đến với Buôn Đôn qua bài hát Chú voi con ở Bản Đôn do nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác qua tiếng hát của Cao Lê Hà Trang.