Sự tích chim Bắt cô trói cột và chim Năm trâu sáu cột

Truyện Sự tích chim Bắt cô trói cột và chim Năm trâu sáu cột

Sự tích chim Bắt cô trói cột và chim Năm trâu sáu cột là câu chuyện cổ tích Việt Nam, giải thích về nguồn gốc và tiếng kêu của hai loại chim này ngày nay.

1. Gia sản của phú ông

Ngày xưa, có một bác lực điền tên là Ba ở trong một xóm dưới chân núi. Bác không có ruộng phải làm rẽ năm sào của một phú ông ở làng bên cạnh. Phú ông là tay giàu có nhất tổng: ruộng đất trâu bò ở rải rác các thôn xóm nhiều không đếm xiết. Thấy bác là tá điền cũ, tính nết thật thà chăm chỉ, lúc nào cũng nộp thóc sòng phẳng, phú ông có lòng tin giao cho bác nuôi trâu. Công việc của bác Ba trở nên thêm bận rộn. Ngày ngày bác phải chăn một bầy trâu của phú ông từ độ ấy sinh nở tổng cộng đã được năm con.

Tự nhiên một ngày nọ, phú ông lăn ra chết. Hắn chết giữa lúc tuổi còn khá trẻ. Phú ông chưa có con trai, chỉ có mỗi một cô gái nên bao nhiêu ruộng đất trâu bò đều về tay cô. Mà ruộng đất trâu bò của phú ông giao cho các tá điền nhiều thứ linh tinh phức tạp, có thứ đã làm giấy tờ phân minh nhưng cũng có thứ vì cái chết đột ngột xảy đến nên chưa có giấy tờ gì cả.

Cô con gái phú ông rất giống tính cha, lại là một người có mánh khóe vặt. Không bao giờ chịu để mất không cái gì cho người ngoài dù là những vật nhỏ mọn, Sau khi làm ma bố xong, cô gái mới bắt đầu đi kiểm soát một lượt gia sản của bố để lại.

Cô đến nhà bác Ba vào một buổi chiều. Lúc đó bác ta còn đi chăn trâu chưa về. Nhà này có nuôi trâu, cô biết, nhưng tất cả số trâu nuôi trâu đẻ được mấy con và lớn bé như thế nào thì hãy còn mập mờ. Trừ phú ông ra chả ai biết rõ. Mấy người đầy tớ chỉ nhớ mang máng cả mẹ đẻ con đẻ đâu năm sáu con.

Tục ở đây nuôi trâu không có chuồng. Người ta đóng ở góc sân những cái cột, tối về buộc mỗi con vào một cột. Thoạt vừa đến cô gái đếm ngay số cột được sáu cái: “Sáu cột vị chi là sáu trâu” – cô tự bảo thế. Cô không biết rằng trước đây một hôm vì có một cột gần gãy nên bác Ba phải đóng một cột khác, chưa kịp nhổ cái kia đi.

2. Sự tích chim Bắt cô trói cột và chim Năm trâu sáu cột

Lúc bác lực điền đánh trâu về, cô gái đếm đi đếm lại chỉ có năm con, bèn ngẫm nghĩ: “Quái thật! Sao chỉ có năm. Có lẽ vì không có giấy tờ, nên nghe tin cha chết lão này đã bán trộm một con”. Bèn nói to:

– Này bác Ba. Còn một con nữa đâu?

Bác lực điền ngạc nhiên:

– Còn trâu nào nữa, tôi nuôi của cụ cả thảy chỉ có năm con.

Cô gái lý sự:

– Năm trâu sao lại sáu cột. Có lẽ bác đánh lạc mất một con trong rừng chứ gì?

Bác Ba đem việc cột gãy ra phân trần, nhưng cô nào đâu có nghe:

– Thôi, bác chịu khó đi tìm cho tôi đi. Năm trâu sao lại có sáu cột?

Thấy cô ta lẩm bẩm mãi mấy tiếng “năm trâu sáu cột”, bác lực điền nổi xung:

– Chỉ có bắt cô trói vào cột này thì họa chăng mới thành sáu được!

Cô con gái phú ông không phải là tay vừa, nhảy lên xỉa xói bác Ba. Bác Ba bực mình bỏ đi vào rừng. Cô tiếp theo chân bác. Rồi đó hai câu “năm trâu sáu cột” và “bắt cô trói cột” trở thành lời đối đáp của hai bên.

Cả bác Ba và cô gái về sau đều hóa thành chim. Hai con chim đó thường xuất hiện ở vùng rừng núi Thái Nguyên, Bắc Kạn là vùng xảy ra câu chuyện. Hai con chim kiếm ăn từ nhá nhem cho đến mờ sáng: một con đàng này núi, một con đàng kia núi, một con kêu: “Năm trâu sáu cột”, một con đáp: “Bắt cô trói cột”. Người ta nhận tiếng kêu của từng con một mà đặt tên.

Câu chuyện Sự tích chim Bắt cô trói cột và chim Năm trâu sáu cột – Truyện cổ tích Việt Nam
– TheGioiCoTich.Vn –

Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam và thế giới
Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam và thế giới

Kho tàng truyện cổ tích dành cho các bé

Ngoài câu chuyện kể về sự tích chim Bắt cô trói cột và chim Năm trâu sáu cột, Thế giới cổ tích còn sưu tầm và chọn lọc rất nhiều những câu chuyện cổ tích thú vị, hấp dẫn khác. Các bạn nhỏ sẽ được bước chân vào thế giới của các bà tiên quyền năng, các nàng công chúa xinh đẹp hay các chàng hoàng tử dũng cảm,… Và đằng sau mỗi câu chuyện ấy đều là những bài học bổ ích về đạo đức và cuộc sống.

Đừng quên khám phá kho tàng truyện cổ tích hay nhất của Việt Nam và thế giới tại TheGioiCoTich.Vn.